Cà Mau: Tiếp tục bê tông hóa đường giao thông nông thôn

Thứ năm, 24/03/2011 08:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2010, phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) ở Cà Mau tiếp tục phát triển thuận lợi theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong năm, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 580 km đường GTNT (bao gồm đường đất đen và bê-tông), với tổng vốn đầu tư gần 160 tỷ đồng.

Năm 2010, phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) ở Cà Mau tiếp tục phát triển thuận lợi theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".  Trong năm, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 580 km đường GTNT (bao gồm đường đất đen và bê-tông), với tổng vốn đầu tư gần 160 tỷ đồng.

Bên cạnh đó,  Đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn với kinh phí đầu tư hơn 269 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Theo kế hoạch thực hiện GTNT 2011, toàn tỉnh sẽ phát triển mới hơn 1.043 km đường nông thôn và xây dựng 271 cây cầu bê-tông, tổng vốn đầu tư cho các công trình này là hơn 436 tỷ đồng. Đầu năm cũng là thời điểm mùa khô, các địa phương đã bắt đầu khởi động các công trình xây dựng GTNT, trong đó có huyện Thới Bình, một trong những huyện phát triển phong trào GTNT sớm nhất và thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Cơ bản đấu nối đường giao thông
 
Trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Định hướng dài hạn đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng GTNT vùng ĐBSCL" (năm 1996), từ năm 1980, Thới Bình đã vận động nhân dân làm đường làng bằng đất nung. 

 "Vạn sự khởi đầu nan", ban đầu Thới Bình gặp không ít khó khăn trong việc thu vốn đối ứng, quản lý chất lượng công trình…  Điển hình như tuyến đường từ xã Tân Bằng nối dài đến Miệt Thứ (Kiên Giang) có chiều dài khoảng 7 km được nâng cấp bê-tông (năm 2000). Trước khi tuyến đường này được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhà thầu phải ba lần gia cố mặt đường để nâng chất lượng.

Bên cạnh đó, tuyến đường Tân Phong (đoạn Tân Lộc Bắc - Tân Lộc Đông) có chiều dài khoảng 10 km cũng bị xuống cấp nghiêm trọng sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng do chất lượng công trình quá kém. Khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, đến nay toàn huyện cơ bản đã nối mạng thông suốt hệ thống GTNT, có hơn 80% tuyến đường đã được bê-tông hóa.

Ông Kiều Đức Minh, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Thới Bình, cho biết, từ những năm 2001-2005, phong trào GTNT ở Thới Bình phát triển rất mạnh, được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc, Bộ Giao thông - Vận tải tặng bằng khen, UBND tỉnh biểu dương thành tích… Điều đó nhờ vào sự cộng hưởng trách nhiệm của xã hội.

Lãnh đạo địa phương đã kịp thời khắc phục thiếu sót dẫn đến chất lượng công trình kém và đẩy mạnh vận động xã hội hóa GTNT, còn người dân thì thấy được quyền lợi của mình nên ủng hộ quyết liệt.

Hiện tại các trục đường chính kết nối trung tâm của 12 xã, thị trấn về trung tâm huyện đều đã được bê-tông hóa, các nhánh rẽ về các ấp cơ bản đã xong đường đất đen và đang từng bước được đầu tư bê-tông hóa. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp, hoàn thành chỉ tiêu bê-tông hóa đường nông thôn, đồng thời phải bảo đảm chất lượng công trình.

Lồng ghép tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Cùng với việc hoàn chỉnh các tuyến đường ô-tô về trung tâm xã, từ đầu năm đến nay, nhiều tuyến đường GTNT Thới Bình đã được nâng cấp bê-tông. Song vấn đề đặt ra là bê-tông hóa trên nền tảng đường đất đen trước đây (chiều ngang 1,5 m) hay phát triển đường theo tiêu chí nông thôn mới (ngang 3 m).

Bởi hiện nay, nếu nâng cấp bê-tông đường GTNT theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì thuận lợi trong xây dựng, nhưng sẽ gặp trở ngại về vốn đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công nâng cấp đường bê-tông GTNT của huyện.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, phân vân: "Trước mắt huyện tiếp tục thực hiện nâng cấp bê-tông trên cơ sở nền đất đen bằng nguồn vốn đối ứng "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Song song đó, huyện tiếp tục vận động nguồn xã hội hóa để phát triển đường GTNT theo tiêu chí nông thôn mới, như huyện đã làm ở nhiều đoạn trên tuyến đường từ xã Hồ Thị Kỷ về xã Thới Bình.

Nhìn chung sẽ không có trở ngại lớn, bởi bây giờ, phát triển GTNT ở Thới Bình đã được sự đồng thuận cao của nhân dân. Năm 2010,  toàn huyện đã bê-tông hóa được hơn 39 km đường và xây dựng 188 cây cầu, tổng vốn đầu tư cho hai công trình này hơn 35 tỷ đồng. Năm nay, huyện sẽ tiếp tục thực hiện bê-tông hóa 130 km đường và xây dựng thêm 88 cây cầu. Phấn đấu đến năm 2015 Thới Bình sẽ có hơn 400 km đường GTNT được bê-tông hóa"./.

Báo Cà mau

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)