Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ. Việc làm ý nghĩa đó không chỉ tô đẹp cảnh quan bằng đường thông ngõ thoáng mà còn góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ. Việc làm ý nghĩa đó không chỉ tô đẹp cảnh quan bằng đường thông ngõ thoáng mà còn góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Một trong những xã điển hình về phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp làm đường giao thông nông thôn trong nhiều năm qua, phải kể đến xã Hàm Minh. Vốn là xã thuần nông, chủ yếu dựa vào cây thanh long nên khi cây thanh long có hiệu quả kinh tế, nhân dân nơi đây nhận ra việc đầu tư phát triển các tuyến đường trong thôn, xóm là điều hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch UBND xã Hàm Minh cho biết: “Để giúp người dân đẩy mạnh thông thương buôn bán với các địa phương trong và ngoài tỉnh, những năm qua xã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ kinh phí, hiến đất để nâng cấp, cải tạo, làm mới các tuyến đường bức xúc, đi lại nhiều”. Ông Hưng kể lại, năm đầu tiên làm, xã đã khảo sát các tuyến đường bức xúc, lầy lội, nhu cầu đi lại nhiều rồi vận động các khu dân cư ở nơi đó đóng góp xây dựng. Qua quá trình bàn bạc thống nhất trong dân, các khu dân cư đã thành lập Ban giám sát thi công là quần chúng có uy tín được nhân dân tín nhiệm. Từ đó, các thôn, xóm tiến hành họp dân, vận động đóng góp. Còn chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật thi công. Phần công khai các khoản tài chính, giám sát, kiểm tra công trình, Ban giám sát thi công đảm nhiệm. Kinh phí đóng góp tùy từng tuyến đường, nhưng chủ yếu dựa theo đầu trụ thanh long từ 500 – 1.000 đồng/trụ và được các hộ dân hưởng ứng nhiệt tình.
Giải pháp chính mà xã Hàm Minh thực hiện để huy động sức dân đóng góp vốn và ngày công làm đường giao thông là phát huy quyền giám sát, kiểm tra, quyền tham gia đóng góp ý kiến bàn bạc của nhân dân thông qua việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong quá trình làm, đã kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp vốn xây dựng công trình. Nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình và đồng thuận của bà con, năm 2010 xã Hàm Minh đã huy động được 460,7 triệu đồng và 110 ngày công nâng cấp, sửa chữa 11 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 11,8 km. Điển hình là các thôn Minh Hòa, Minh Tiến, Minh Thành... Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và vận động nhân dân hiến đất xây dựng tuyến đường Bàu Dài giáp quốc lộ 1A đến xã Hàm Cường dài 1,4 km với kinh phí 740 triệu đồng. Qua nhiều năm đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn, đến nay xã Hàm Minh xuất hiện nhiều tuyến đường rải sỏi, nhựa hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho bà con. Một hộ dân ở thôn Minh Tiến – xã Hàm Minh cho biết: “Trước đây con đường dẫn vào thôn rất lầy lội, khó đi. Mỗi độ thu hoạch thanh long, chúng tôi thường bị ép giá bởi xe không vào được tận nơi và phải chuyên chở bằng xe bò rất khổ sở. Sau khi chúng tôi đóng góp tiền và ngày công làm lại con đường này, thì giá thanh long ở trong thôn được thương lái mua bằng giá bên ngoài quốc lộ 1A nên bà con sản xuất đều tăng lãi”.
Nhìn lại chặng đường năm năm qua, huyện Hàm Thuận Nam đã làm mới được gần 80 km các loại đường, trong đó nguồn vốn của tỉnh gần 15,2 tỷ đồng, huyện hơn 10 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Trần Đình Hiếu – cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Nhìn chung, mạng lưới giao thông nông thôn của địa phương bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa, nông sản của nhân dân. Tuy nhiên, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa việc đi lại còn khó khăn. Thời gian tới, huyện sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch xây dựng giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực của trung ương, tỉnh thông qua ngân sách tập trung, vốn chương trình, đồng thời huy động hơn nữa nguồn đóng góp của dân gồm tiền, vật tư, ngày công lao động, hiến đất để có thêm các tuyến giao thông nông thôn nữa hình thành.
Báo Bình Thuận