Đến nay, gần 50 cây cầu mang tên Hy vọng đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, góp phần khởi sắc diện mạo cho các vùng nông thôn, tạo sự thuận lợi cho người dân khi đi lại.
Đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Tháp (bên trái)
và Quỹ Hy vọng ký kết công tác phối hợp xây dựng cầu Hy vọng
trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2024
Những cây cầu nối nhịp bờ vui
Tháng 10/2019, cầu Hy vọng đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là cầu Nguyễn Văn Bảy (cầu Hy vọng 52), tại ấp Hậu Thành, xã Tân Dương (huyện Lai Vung). Cầu Nguyễn Văn Bảy có chiều dài 32m, rộng 3,5m với tổng kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng. Trong đó, Quỹ Hy vọng tài trợ 300 triệu đồng, phần còn lại do UBND huyện Lai Vung hỗ trợ và người dân địa phương đóng góp. Việc xây dựng cầu nhằm tưởng nhớ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, đồng thời tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân địa phương.
Từ chiếc cầu Hy vọng đầu tiên, đến nay, có 76 cây cầu đã được khởi công xây dựng tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, có 48 cây cầu hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Huyện Châu Thành là địa phương có số lượng cầu Hy vọng được xây dựng nhiều nhất trong tỉnh Đồng Tháp với 42 cây cầu tại khắp 12 xã, thị trấn trong huyện; hiện có 25 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tại xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành), từ năm 2020 đến nay, có 10 cây cầu Hy vọng đã được khởi công xây dựng (tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng, trong đó Quỹ Hy vọng hỗ trợ 900 triệu đồng); đến nay, có 5 cây cầu đã khánh thành, đưa vào sử dụng. Ông Trần Chánh Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông, cho biết: “Nhờ việc xây dựng cầu Hy vọng trên địa bàn đã nối liền các tuyến đường liên ấp, liên xã, phục vụ thiết thực đời sống người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần giúp địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 6/2022 và đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển”.
Mừng vui, phấn khởi, đầy hy vọng, đó là cảm xúc chung của nhiều người dân ở ấp Tân An, xã An Nhơn (huyện Châu Thành) khi cầu Cồn Mới (cầu Hy vọng 202) được khởi công xây dựng. Cầu Cồn Mới dài 30m, rộng 3,7m với tổng kinh phí 828 triệu đồng (trong đó Quỹ Hy vọng hỗ trợ 120 triệu đồng, phần còn lại từ ngân sách Nhà nước và Nhân dân đóng góp), vừa kịp hoàn thành đón Tết Nguyên đán năm 2023. “Hồi đó giờ khúc sông này không có cầu bắc ngang, người dân ở 2 bên bờ muốn qua lại chỉ có bơi xuồng hoặc đi đường vòng xa mấy ki-lô-mét. Giờ có cây cầu này, các con của tôi không còn phải đi học bằng xuồng đưa rước. Có cầu mới, xe tải nhỏ cũng vô được tận nhà thu mua nông sản. Tết năm nay, nhà tôi bán nhãn, bán trái cây cũng tiết kiệm được tiền xăng xe chở đi chợ bán” - chị Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1978) chia sẻ. Nhà chị Thoa ở gần cầu Cồn Mới, khi khởi công xây cầu, vợ chồng chị đã tình nguyện hiến đất xây cầu và làm đường dẫn lên cầu.
Ông Nguyễn Văn Lực Em - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Tân An, xã An Nhơn phấn khởi cho biết: “Cầu Cồn Mới được xây dựng là mong ước bấy lâu của hàng trăm người dân trong ấp Tân An. Cầu mới được xây dựng giúp người dân, học sinh đi lại dễ dàng; việc chở vật tư nông nghiệp, mua bán nông sản, trái cây thuận tiện và tiết kiệm chi phí, công sức hơn nhiều so với trước đây”.
Cầu Hy vọng 157 (cầu Gộc Gừa, ấp Hòa Hưng, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành)
được xây dựng kiên cố, vững chắc
Khởi sắc diện mạo giao thông nông thôn
Dự án cầu Hy vọng được triển khai tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tại tỉnh Đồng Tháp nói riêng nhằm xóa các cây cầu tạm, cầu hư hỏng, xuống cấp và xây dựng lên những cây cầu bê tông, cốt thép chắc chắn, cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và sự an toàn cho trẻ em tới trường. Theo ông Nguyễn Tiến Danh - Giám đốc Quỹ Hy vọng, bên cạnh hoạt động xây dựng cầu cho địa phương, thời gian qua, Quỹ Hy vọng đã gắn kết, vận động thực hiện thêm nhiều hoạt động khác như: trao quà cho học sinh nghèo, góp sách, trao thư viện, cải tạo lại nhà vệ sinh... Thời gian tới, sau khi thực hiện chương trình phối hợp xây dựng 100 cầu Hy vọng giai đoạn 2019 - 2024, căn cứ vào nhu cầu địa phương và đáp ứng tốt các điều kiện như thời gian qua, Quỹ Hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cầu Hy vọng trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Minh Thức - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và Quỹ Hy vọng đã phối hợp khởi công xây dựng 76 cầu giao thông (tổng kinh phí hơn 37,6 tỷ đồng; trong đó, Quỹ Hy vọng hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng, địa phương đối ứng và vận động người dân đóng góp trên 29,7 tỷ đồng). Phát huy tinh thần tuổi trẻ xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, trong quá trình xây dựng cầu Hy vọng, đoàn viên, hội viên, thanh niên các cấp đã tích cực vận động người dân tham gia xây dựng công trình thông qua việc ủng hộ kinh phí, hiến đất xây dựng, ủng hộ ngày công xây dựng cầu... Đây là công trình thiết thực của tuổi trẻ tỉnh Đồng Tháp chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027”.
Người dân đi lại thuận tiện hơn sau khi cầu Hy vọng 126
(cầu Miếu Bà Năm, ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) được xây dựng
Tết Nguyên đán năm 2023, nhiều cây cầu mang tên Hy vọng đang tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh Đồng Tháp. Mỗi chiếc cầu Hy vọng được xây dựng xong đều gắn liền với 1 số thứ tự, kèm theo tên cũ tại địa phương. Những cây cầu Hy vọng cùng số thứ tự tiếp tục được tăng lên, tiếp nối những hy vọng, niềm vui cho Nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển, tô thắm thêm cho sắc xuân trên quê hương Đất Sen hồng.