Xác định việc phát triển giao thông vận tải nói chung và phát triển giao thông nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh miền núi là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, “chìa khóa” quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân đầu tư phát triển giao thông nông thôn, tạo nên mạng lưới giao thông rộng khắp nối liền các vùng miền trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Xác định việc phát triển giao thông vận tải nói chung và phát triển giao thông nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh miền núi là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, “chìa khóa” quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân đầu tư phát triển giao thông nông thôn, tạo nên mạng lưới giao thông rộng khắp nối liền các vùng miền trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Thành quả của mọi nguồn lực
Với nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn (GTNT), phục vụ phát triển sản xuất - dân sinh kinh tế của nhân dân; đặc biệt ưu tiên cho các xã, bản nghèo đặc biệt khó khăn, các xã bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới chưa có đường giao thông; sử dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh để phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Điểm thuận lợi trong phát triển giao thông trong những năm qua là được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng giao thông phục vụ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La; các nguồn vốn Chương trình dự án của Trung ương đã tạo cơ hội lớn cho tỉnh phát triển mạnh hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn. Ưu tiên dành một phần vốn của các chương trình, dự án để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình GTNT đường đến các xã, bản kết hợp với đường vào vùng sản suất; đường GTNT thuộc các xã khu vực 3 và đến các xã chưa có đường và đặc biệt là hỗ trợ mở đường đến các bản đặc biệt khó khăn chưa có đường (thông qua chương trình tái định cư thuỷ điện Sơn La, trái phiếu Chính phủ, 1382, 135, 182, vốn của các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ..., tranh thủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận sự hỗ trợ của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vốn WB, ADB, JBIC, ... lồng ghép các chương trình, các nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ vốn sự nghiệp, vốn ngân sách để làm đường GTNT. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã ban hành những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tham gia mở đường giao thông. Chỉ tính trong 5 năm (2006-2010) tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực mở mới, nâng cấp được 2.093 km đường giao thông; nhựa hóa đường giao thông đến 10/13 trung tâm cụm xã, 187/190 xã có đường ô tô đến được trung tâm xã, trong đó có 150 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa. Tính đến thời điểm này, tổng chiều dài tuyến đường xã, liên xã toàn tỉnh lên tới 4.733km và đã có trên 500km được nhựa và bê tông hóa. Tuyến đường đến các bản có trên 5.059 km và đã có 312 km được cứng hóa... Hệ thống GTNT đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt các vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội ở nông thôn và ngày càng đáp ứng được nguyện vọng cấp thiết của nhân dân; phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tạo bước phát triển mới
Phát triển giao thông nông thôn nằm trong tổng thể chiến lược và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu 100% đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp đi được 4 mùa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của các xã đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (55 xã) và đường đến các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn (1.105 bản) được nâng cấp cứng hoá mặt đường trên 50%. Và, đến năm 2020 nâng cấp đường xã (ưu tiên đường đến bản và đường giao thông nông thôn các xã để đạt theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới), quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A, B mặt đường từng bước được cứng hóa. Nâng cấp đường xã quan trọng lên thành đường huyện, kéo dài đường xã qua những khu vực cần thiết. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển xây dựng đường chuyên dùng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp như sản xuất chè, cà phê, cao su, vùng nguyên liệu mía, chăn nuôi bò sữa và phát triển công nghiệp như đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn, các đường chuyên dùng phục vụ các cụm công nghiệp và các mỏ khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn.
Xây dựng mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh thành một hệ thống thống nhất, liên hoàn kết nối các vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực sản xuất tập trung, các trung tâm hành chính và các cụm dân cư; đảm bảo liên thông hệ thống giao thông của vùng, cả nước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực Tây Bắc, tạo điều kiện thúc đẩy và hội nhập kinh tế với cả nước và khu vực./.
Báo Sơn La