Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức thương mại, kinh tế nước ngoài tại Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức thương mại, kinh tế nước ngoài tại Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề Việt Nam.
Theo quy định, đây là Hội đồng đại diện cho người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu tham gia tư vấn, hỗ trợ Văn phòng Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức kiểm soát TTHC và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong phạm vi cả nước.
Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của Đề án 30 trước đây, Hội đồng đã có nhiều đóng góp quan trọng, với thành viên là đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, ngành nghề, các chuyên gia, luật sư đối với sự thành công của Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.
Vì thế, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục huy động người dân và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động cải cách TTHC dưới hình thức đại diện như Hội đồng tư vấn cải cách TTHC.
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều tán thành việc tiếp tục duy trì, mở rộng và đổi mới hình thức và nội dung hoạt động của Hội đồng Tư vấn. Bởi cải cách TTHC là một quá trình liên tục trong đời sống xã hội, đòi hỏi sự tham gia, giám sát, phản biện thường xuyên của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức nghề nghiệp khác đối với công tác cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương nhằm cắt giảm chi phí và gánh nặng cho người dân, nâng cao năng lực, sự minh bạch, tính chuyên nghiệp của các cơ quan công quyền.
Bên cạnh những thành viên cũ trước đây, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC lần này có thêm nhiều thành viên mới, đại diện của nhiều tổ chức như đoàn thể chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các viện nghiên cứu khu vực…
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Dương Văn An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương Nguyễn Đình Cung, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Võ Quốc Thắng đều đánh giá cao những đóng góp của các thành viên Hội đồng Tư vấn và mong muốn được đóng góp sức mình trong các hoạt động của Hội đồng.
Các đại biểu đã góp ý về dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và chế độ làm việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổ thư ký, các nhóm công tác…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của các thành viên, các chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu đối với Hội đồng. Kết quả thành công bước đầu của Đề án 30 có sự đóng góp to lớn của Hội đồng Tư vấn.
“Cải cách TTHC là công việc khó khăn, vì thế Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục kiện toàn, củng cố, phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của Hội đồng Tư vấn trong thời gian tới và mong muốn các chuyên gia tiếp tục đóng góp, bổ sung kiến nghị, đề xuất góp ý với Chính phủ góp phần làm công khai hóa, minh bạch hóa TTHC ở Việt Nam. Việc củng cố, kiện toàn Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác quan trọng này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chinhphu.vn