Anh Phạm Công Xuân (sinh năm 1976, ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) hàng ngày anh cần mẫn đi rà đinh rơi vãi trên đường chỉ vì "không cầm lòng nổi khi thấy những người đi đường gặp nạn cán phải đinh!". Chuyện anh làm khiến nhiều người cảm phục, nhất là những người từng là nạn nhân của bọn rải đinh.
Nạn rải đinh xuất hiện cách đây đã vài năm, bắt đầu từ địa bàn TP Hồ Chí Minh và trở thành nỗi kinh hoàng cho người đi đường. Điểm nóng thường xuyên bị rải đinh là xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến Suối Tiên, trên quốc lộ 1A đoạn qua Bình Dương, quốc lộ 51 đi Vũng Tàu...
Bức xúc trước sự lộng hành của bọn rải đinh, nhiều cá nhân và Đoàn Thanh niên tại một số quận, huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... đã tự nguyện xuống đường thu gom, hút đinh, vá xe lưu động nhằm xóa bớt các điểm đen rải đinh. Nhưng hiệu quả nhất có lẽ là “Xe hút đinh chung sức với cộng đồng” của anh Phạm Công Xuân.
Anh Phạm Công Xuân cùng với chiếc xe hút đinh tự chế
không quản nắng mưa đi rong ruổi khắp các tỉnh TP Hồ Chí Minh
và Bình Dương để đem lại bình yên cho đường phố. Ảnh infonet
Anh Phạm Công Xuân (sinh năm 1976, ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) hàng ngày anh cần mẫn đi rà đinh rơi vãi trên đường chỉ vì "không cầm lòng nổi khi thấy những người đi đường gặp nạn cán phải đinh!". Chuyện anh làm khiến nhiều người cảm phục, nhất là những người từng là nạn nhân của bọn rải đinh. Chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm do bọn rải đinh gây ra, anh Phạm Công Xuân đã mày mò chế ra chiếc xe hút đinh, ngày ngày rong ruổi trên đường rà hút đinh để đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Chứng kiến xe cộ dính đinh như cơm bữa, rồi cảnh nhiều người đi đường phải dắt bộ xe đến lả người, vã mồ hôi trong cái nắng chang chang tìm chỗ thay vỏ, vá ruột, anh Phạm Công Xuân nghĩ cần phải làm gì đó để giảm bớt nạn rải đinh. Chỉ sau một thời gian ngắn mày mò vẽ mẫu, tìm vật liệu, anh cùng người bạn là thợ gò hàn đã chế ra chiếc xe hút đinh lưu động cỡ vừa, khá linh hoạt với kinh phí gần 2 triệu đồng.
Mỗi ngày, anh lầm lũi chạy xe hàng chục cây số đến các điểm nóng về nạn rải đinh để rà, hút đinh từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới về. Hình ảnh người đàn ông 36 tuổi thấp đậm, nước da bánh mật nhưng có nụ cười tươi đi chiếc Dream cũ gắn cái “rơmoóc” phía sau cần mẫn hút đinh ngang dọc các con đường trở nên quen thuộc với rất nhiều người.
Đoạn đường 9 km từ thị xã Dĩ An đến cầu Bình Triệu ngày thường nếu đi nhanh chỉ mất chừng 15 phút. Nhưng với tốc độ của xe hút đinh, anh Phạm Công Xuân phải mất gần 2 giờ đồng hồ vừa đi vừa về. Mang chiếc áo choàng tạm cho đỡ nắng, anh vừa chạy xe vừa linh hoạt điều khiển xe đi qua khúc cua, quẹo trái, phải.
Hỏi vì sao lại chạy rất chậm, tốc độ dưới 10 km/giờ trong cái nắng như thiêu đốt này, anh nói vậy mới hút được đám đinh li ti hay chọc thủng lốp xe. Loại đinh này tiệp màu với lòng đường nên người tham gia giao thông rất khó phát hiện. Đặc biệt là đinh hình thoi, loại đinh nguy hiểm nhất chuyên gây ra các vụ tai nạn ám ảnh. Cán phải loại đinh này, không chỉ xe máy mà cả ô tô chỉ có nước thay ruột mới.
Chính anh Phạm Công Xuân cũng từng là nạn nhân của bọn rải đinh. Có lần đang chạy trên đường, xe hút đinh của anh... cán phải đinh thủng cả hai vỏ. Lếch thếch kéo xe vào cả hai tiệm nhưng không tiệm nào chịu vá. Đến tiệm thứ ba, sửa được xe thì họ cũng nhìn anh với con mắt khó chịu. Đôi lần một số bọn rải đinh lạ mặt còn hăm dọa, đe nẹt anh sao dám cả gan phá bĩnh chuyện làm ăn của chúng. Người thân cũng ra sức khuyên anh “dẹp cha nó chuyện tầm phào, kẻo nhọc thân”, song anh chỉ mỉm cười.
Số lượng đinh anh Phạm Công Xuân gom được sau một ngày
xuống đường thu gom, hút đinh trên các tuyến đường. Ảnh infonet
Gần 12 giờ trưa, anh cho xe về nhà. Không kịp quẹt mồ hôi, anh vội gỡ từng mảng đinh bám dày trên bánh nam châm. Chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đi đường, 14 bánh nam châm đã dính đặc cả trăm ngàn cây đinh to nhỏ. Trung bình một tuần, anh Phạm Công Xuân gom đến hơn 20 kg đinh.
Chuyện anh Phạm Công Xuân đi hút đinh người dân phường An Bình ai cũng biết. Nhiều người nói anh thừa tiền, rảnh quá nên đi lăng xăng ngoài đường làm chuyện bao đồng. Có người còn hỏi ai thuê anh làm, trả lương tháng bao nhiêu với vẻ khinh khỉnh. Bỏ ngoài tai những lời khó nghe, anh vẫn miệt mài làm việc của mình. Đọc báo, xem tivi đưa tin tai nạn vì đinh, anh bức xúc không chịu ngồi yên. Từ khi tự nguyện đi hút đinh, anh cũng trở nên quá quen với việc người đi đường ngoái lại nhìn mình ngạc nhiên. Và có lẽ cũng không đâu như ở Việt Nam có người chế ra cái xe chuyên đi hút đinh, hằng ngày rong ruổi trên những cung đường để nhặt nhạnh những mẩu đinh ám ảnh những người đi đường.
Xuân Nguyên