Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông tiếp tục lan tỏa ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Phong trào này đã thực sự làm thay đổi bộ mặt vùng quê, đưa nông thôn Hoằng Hóa, Thanh Hóa trở thành miền quê đáng sống.
Người dân thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong hiến đất,
công trình để mở rộng đường giao thông
Hành động đẹp vì cộng đồng
Thôn Đình Long vốn là vùng cuối của xã Hoằng Phong. Trước đây, các tuyến đường trong thôn khá chật hẹp, không thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán. Đầu năm 2023, tuyến đường HP4 dẫn về thôn được thảm nhựa với chiều dài gần 1km đã làm thay đổi bộ mặt làng quê. Để có được công trình trên, nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến đất ở, đất nông nghiệp để mở rộng đường từ 4,5m lên 7m. Riêng ở thôn Đình Long đã có 30 hộ dân hiến đất, hộ nhiều nhất hiến tới 200m2 đất nông nghiệp, hộ ít cũng vài chục mét vuông; có nhiều hộ hiến đất ở và tự nguyện di dời cây cối, tường rào, trong đó có những hộ kinh tế gia đình chưa mấy khá giả nhưng khi được vận động vẫn đồng thuận ủng hộ phong trào chung.
Trục đường chính về thôn được thảm nhựa khang trang đã tạo động lực để các đoạn đường nhánh trong thôn tiếp tục được mở rộng. Là hộ tiên phong ở đường 06 thôn Đình Long, gia đình ông Lê Văn Ngọc đã tự nguyện phá dỡ cổng, tường rào, một phần nhà cấp bốn để hiến hơn 20m2 đất thổ cư và tự bỏ kinh phí gần 40 triệu đồng để xây dựng lại công trình. Ông Ngọc cho biết: “Có chủ trương mở đường, các gia đình đã tự nguyện hiến đất, tự tháo dỡ công trình và không đòi hỏi bất kỳ điều gì bởi chúng tôi nhận thức rõ khi con đường được thông thoáng, sạch đẹp sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện lưu thông, thúc đẩy giao thương...”. Sau khi gia đình ông Ngọc tháo dỡ công trình hiến đất, rất nhiều hộ đã làm theo. Chỉ trong thời gian ngắn, 17 hộ dân hai bên đường 06 thôn Đình Long đã hiến hàng chục mét vuông đất ở để đường được mở rộng từ hơn 4m lên 6m.
Gia đình ông Lê Hồng Cường, ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong cũng là một trong những hộ tiên phong thực hiện phong trào hiến đất. Sau khi nắm bắt được chủ trương mở rộng đường từ các cuộc họp thôn, ông Cường đã tự giác phá dỡ hơn 20m tường bao, cổng ngõ, nhà kho và hiến sâu vào 1m đất ở để dành đất cho đường nội thôn. Chi phí xây dựng lại công trình hơn 20 triệu đồng, ông còn bỏ thêm 40 triệu đồng để sửa lại mái tôn nhà kho chứa hàng hóa. “Thực hiện chương trình xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là cơ hội để đường làng, ngõ xóm được mở rộng, Nhà nước hỗ trợ đầu tư thêm kinh phí thì nay mai đường được thảm nhựa, vậy là giao thông vốn bức bách, chật chội trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn. Nếu các hộ gia đình không hy sinh một chút lợi ích cá nhân vì cộng đồng, sẽ không bao giờ có được đường đẹp để đi...”, ông Cường chia sẻ.
Được biết, thôn Nam Hạc có 204 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu. Đây cũng là thôn đang tập trung thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2023. Ông Lê Văn Huấn, Bí thư Chi bộ thôn Nam Hạc, cho biết: Xã có 2 thôn đã được công nhận là thôn kiểu mẫu. Về những thôn này, không gian làng quê khởi sắc, đường làng, ngõ xóm rộng rãi, khang trang, thoáng đãng. Từ đó, chúng tôi có động lực để thực hiện theo và phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí của thôn kiểu mẫu. Trong đó, mở rộng đường giao thông, xây dựng rãnh thoát nước và thảm nhựa các trục đường chính trong thôn là phần việc quan trọng. Theo rà soát, cần có 70 hộ dân sinh sống hai bên đường hiến đất, di dời cây cối. Thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Đây là tín hiệu tích cực bởi đại đa số người dân đã nhận thức được ý nghĩa của phong trào”.
Tại xã Hoằng Lưu, phong trào hiến đất mở rộng đường khu dân cư trong các thôn diễn ra hết sức sôi động, tạo nên cuộc “cách mạng” thay đổi bộ mặt giao thông ở các thôn, xóm. Những tuyến đường trước đây chỉ rộng 2 - 2,5m, nay mở rộng lên 4 - 5m, thậm chí có nơi lên tới 7 - 9m. Đáng nói, phong trào này tiếp tục được duy trì và lan tỏa ở 6/6 thôn trong xã. Đơn cử, cuối năm 2022, ở thôn Phượng Khê, rất nhiều hộ dân đã tự nguyện phá tường rào, cổng sắt, hiến đất để mở rộng đường thôn.
Ông Lê Duy Thủy, bí thư chi bộ, kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn Phượng Khê, cho biết: Để mở rộng đoạn đường này ra 5m, toàn cụm dân cư có 21/22 hộ dân đã tự nguyện phá dỡ tường rào, di chuyển vào bên trong. Để người dân đồng thuận hiến đất thì ban đầu, cán bộ, đảng viên phải đi đầu nêu gương làm trước, sau đó các hộ khác thực hiện làm theo. Việc đóng góp vì cái chung được ghi nhận sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cao, để bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn.
Những kinh nghiệm quý
Những năm gần đây, Hoằng Phong là xã có tốc độ phát triển mạnh, các phong trào kiến thiết xây dựng NTM tại vùng quê này giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, Nhân dân phấn khởi. Đây cũng là một trong những xã mà huyện Hoằng Hóa lựa chọn tập trung xây dựng xã NTM nâng cao trong năm 2023. Để hoàn thành các tiêu chí, cũng như cải thiện tình trạng một số tuyến đường trong các thôn còn hẹp, xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào hiến đất mở rộng đường. Tuy vậy, khi triển khai thực hiện trên thực tế gặp không ít khó khăn. Nguồn lực đất đai có giá trị lớn, nhất là các khu vực trung tâm, mặt đường “tấc đất, tấc vàng” nên để người dân tự nguyện hiến đất không phải là việc dễ dàng.
Tuy nhiên, bằng nhiều cách triển khai đồng bộ, sự năng động, sáng tạo của cán bộ địa phương, cũng như sự đồng thuận, trách nhiệm vì quê hương của người dân Hoằng Phong, phong trào này đã thực sự lan tỏa. Theo thống kê trong toàn xã, chỉ tính từ năm 2021 đến đầu năm 2023, tổng diện tích đất người dân đã hiến để mở rộng, nâng cấp đường là khoảng 3.000m2 đất thổ cư, hơn 2.500m2 đất nông nghiệp, ước tính tương đương trên 9,5 tỷ đồng; Nhân dân tự tháo dỡ trên 3.000m2 tường rào, 78 cổng ngõ, hơn 300m2 mái tôn các loại, đóng góp trên 500 ngày công lao động với tổng giá trị ước tính trên 12 tỷ đồng...
“Phát huy truyền thống năng động, đóng góp thực hiện các phong trào xây dựng quê hương, Nhân dân trong xã đã đồng thuận, sôi nổi thực hiện phong trào hiến đất, các công trình làm đường giao thông. Để thúc đẩy phong trào, xã đã cân đối ngân sách kích cầu hỗ trợ 40 - 50% kinh phí để làm rãnh thoát nước có nắp đậy, làm đường nội thôn, còn lại là kinh phí Nhân dân đóng góp. Đối với phần việc xây dựng lại công trình phải phá dỡ để mở rộng đường, các hộ dân tự nguyện bỏ kinh phí xây dựng, địa phương chỉ hỗ trợ 50% kinh phí đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách”, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong chia sẻ.
Với xã Hoằng Lưu, phong trào hiến đất để mở rộng đường giao thông đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng cảnh quan nông thôn. Ông Nguyễn Văn Bốn, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lưu, cho biết: "Khi thực hiện chương trình xây dựng NTM trước đây và NTM nâng cao hiện nay, phong trào hiến đất mở rộng đường trên địa bàn xã diễn ra sôi nổi với hàng trăm hộ hiến đất ở, đất nông nghiệp, hàng trăm hộ dân khác góp công, góp sức giúp các hộ dân hiến đất xây dựng lại công trình...
Đối với tiêu chí giao thông, điều đặc biệt ở xã Hoằng Lưu là “đi trước, đón đầu”, khi xây dựng NTM nâng cao, xã đã mở rộng đường theo tiêu chí NTM kiểu mẫu. Căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, duy trì và lan tỏa phong trào hiến đất của Nhân dân trong các khu dân cư để nâng cấp, mở rộng đường tại 6/6 thôn trong xã. Riêng trong năm 2022, xã phấn đấu 80% tuyến đường liên thôn, trong thôn mở rộng lên 5m. Theo đó, 60 hộ dân phải phá dỡ tường rào, cổng ngõ hiến đất mở rộng đường, với khoảng 3.000m2 đất. Nhờ làm tốt công tác vận động, 100% số hộ đã tự nguyện hiến đất, hộ hiến nhiều nhất là 180m2...”.
Câu chuyện tự nguyện hiến đất mở rộng đường của Nhân dân các địa phương trong huyện Hoằng Hóa đã góp phần lan tỏa những hành động đẹp, vì trách nhiệm cộng đồng. Từ phong trào này, giao thông thông thoáng, hàng trăm nghìn hộ dân được nâng cao chất lượng đời sống, mở ra sinh kế mới, cuộc sống ổn định hơn. Kết quả đạt được còn góp phần tạo động lực trong công cuộc xây dựng, phát triển Hoằng Hóa trở thành đô thị trong tương lai không xa.