Tình trạng vi phạm chở hàng quá tải trọng đã giảm sâu trong năm 2020

Thứ tư, 20/01/2021 06:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng cục ĐBVN cho biết, năm 2020 lượng xe quá khổ quá tải lưu thông trên các tuyến đã giảm sâu, một số địa phương đã ngăn chặn được tình trạng tái diễn phương tiện chở hàng quá tải.

Lực lượng Thanh tra giao thông xử lý xe quá tải lưu thông trên cầu Thăng Long 

Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các Cục QLĐB, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, triển khai đồng bộ các giải pháp.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành đường bộ đã tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, các chủ phương tiện và lái xe. Tại một số địa phương, đã ngăn chặn được tình trạng tái diễn phương tiện chở hàng quá tải.

Tại các Trạm kiểm tra trọng tải xe (KTTTX) lưu động, cố định; Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục QLĐB sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 162,47 tỷ đồng.

Đối với bộ cân KTTTX do JICA tài trợ tại Km78/QL.5, TP. Hải Phòng sau 4,5 tháng triển khai thử nghiệm:

Tổng số xe cân kiểm tra: 396.880 xe, có 564 xe (0,14%) vi phạm tải trọng đường bộ, mức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. So sánh với kết quả của 7 tháng đầu năm 2020: Tổng số xe tải cân kiểm tra là 534.603 xe, trong đó có 36.881 xe (bằng 6,9%) vi phạm vượt khối lượng toàn bộ mức bị xử phạt theo quy định.

Trong 4,5 tháng (139 ngày) đầu đưa bộ cân KTTTX tự động vào hoạt động, số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%); Số xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân 42,9 lần, từ 176 xe/ngày xuống còn 4,1 xe/ngày.

Tháng 12/2020: Cân KT 91.865 xe, có 113 xe vi phạm TTĐB = 0,12%, trong đó có 31 xe vi phạm KLTB = 25,4% và 91 xe vi phạm TTT = 74,6%.

Đánh giá về công tác kiểm soát xe quá tải năm 2020, Tổng cục Đường bộ cho biết, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở GTVT chỉ được kiểm tra xe quá tải trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ như QL1, QL2, QL3, QL6, QL10, QL14, QL37, QL279, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa... Những địa phương được TCĐB liệt kê gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai...

Thêm vào đó, hiện nay đã xuất hiện tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc (loại chở container 40 feet) lắp ben thủy lực (kiểu xe ben tự đổ) và thùng chở hàng (kiểu giả container 40 feet) gắn vào sát xi của sơmi rơmoóc có trục xoay phía cuối để nâng thùng (container) đổ hàng, dùng để chở quá tải hơn 200% (than, cát, đá...), đang lưu thông trên đường bộ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai...;

Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.

Xe quá tải bị xử lý.

Để kiểm soát tốt tải trọng xe năm 2021, Tổng cục ĐBVN sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện trình Bộ trưởng ký ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 12885/KH-BGTVT ngày 01/11/2016 của Bộ GTVT về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; Kế hoạch 6478/KH-TCĐBVN ngày 17/11/2016 của Tổng cục ĐBVN về việc triển khai Kế hoạch 12885/KH-BGTVT ngày 01/11/2016 của Bộ GTVT.

Tổng cục ĐBVN đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, các mỏ vật liệu xây dựng…và kiểm tra, xử lý xe quá tải tại vị trí đặt các Trạm KTTTX lưu động, cố định và trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, theo đó, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động và tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục chỉ đạo, tham mưu và hướng dẫn các đơn vị lắp đặt hệ thống cân KTTTX tự động trên các quốc lộ và đường cao tốc theo mô hình KSTTX tự động đang áp dụng tại Km78/QL.5, TP. Hải Phòng do JICA tài trợ.

Đ.M

Đức Mạnh - Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)