Trong hơn một năm qua, dịch vụ vận tải đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, khiến cho mọi tổ chức, người dân đều thấy hài lòng mỗi khi có nhu cầu đi lại hay giao thương hàng hóa.
Từ cuối năm 2014 về trước, trong các ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ, tết, trên mỗi toa tàu, chuyến xe khi rời bến Lào Cai, hình ảnh thường thấy là hành khách đứng, ngồi chật như nêm. Nhưng kể từ khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành và đưa vào hoạt động (tháng 9/2014), hiện tượng trên đã trở thành “dĩ vãng”. Trong hơn một năm qua, dịch vụ vận tải đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, khiến cho mọi tổ chức, người dân đều thấy hài lòng mỗi khi có nhu cầu đi lại hay giao thương hàng hóa.
Khác với Quốc lộ 70 và nhiều tuyến đường khác trong tỉnh thường phải uốn mình men theo sườn đồi, dốc núi, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai như “dải lụa khổng lồ” được kéo thẳng hai đầu. Những ngày cuối năm, đi trên “dải lụa”, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe ô tô nối dài hối hả lăn bánh ngược, xuôi. Xe vút qua cầu cạn, chui ra từ lòng núi, hai bên đường là các cánh đồng lúa sau mùa gặt chỉ còn lại gốc rạ như vạn “mũi thêu thổ cẩm” gồ ghề trên đất để đến với những miền quê trù phú, những khu phố đông vui, tấp nập, sầm uất. Tuyến đường dài là vậy (245 km), nhưng hành trình xe chạy Hà Nội - Lào Cai chỉ có 3,5 - 4,5 giờ/lượt (giảm một nửa so với Quốc lộ 70). Theo thống kê của VEC (đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), mỗi ngày có tới 2.500 đến 3.000 lượt xe ô tô các loại lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này. Phương tiện nhiều, nhưng những sự cố về ách tắc giao thông chưa từng xảy ra.
Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Lào Cai cho thấy, tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do địa phương quản lý trong năm 2015 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2014.
Điển hình là Công ty Cổ phần Vận tải du lịch Hà Sơn, khi tuyến đường cao tốc chưa đi vào khai thác (sử dụng Quốc lộ 70), tần xuất xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại của đơn vị chỉ là 8 lượt xe/ngày, nhưng đến nay, đã là 80 lượt xe/ngày. Ông Lê Đình Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Vận tải du lịch Hà Sơn tại Lào Cai cho biết: So với Quốc lộ 70, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp doanh nghiệp tiết kiệm 50% thời gian và chi phí trực tiếp. Không những thế, tuyến đường này còn giúp giảm chi phí sửa chữa, kéo dài tuổi thọ khai thác của phương tiện, là cơ sở để doanh nghiệp quyết định đầu tư thêm phương tiện và tăng tần suất chạy xe trên tuyến”.
Khi trên tuyến có thêm các đơn vị tham gia khai thác thì yếu tố cạnh tranh được đẩy lên cao, kéo theo giá cước vận tải giảm mạnh và chất lượng phục vụ khách hàng được cải thiện. Hiện, giá vé của hầu hết các nhà xe chở khách chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội đã giảm từ 370.000 đồng/lượt, xuống 220.000 đồng/lượt, khách hàng đi xe thì thực sự đã trở thành “thượng đế”. Chị Phạm Thị Ngọc, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), mỗi cuối tuần đều về Hà Nội để theo học lớp thạc sĩ, chị chia sẻ: “Năm 2014, để mua vé xe, tôi phải xếp hàng đợi, nếu mua vé tàu còn khó hơn rất nhiều. Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, tôi chỉ cần đặt vé qua điện thoại và có phương tiện trung chuyển đến tận nhà đón”.
Với các doanh nghiệp thì lợi ích còn lớn hơn nhiều vì chi phí đầu vào trực tiếp giảm, khấu hao tài sản kéo dài hơn và thời điểm giao- nhận các đơn hàng cũng được đảm bảo. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Vận tải và Tư vấn kỹ thuật (Lào Cai), đơn vị đang có 22 xe ô tô đầu kéo (rơ móoc) nhận định: “Tình trạng tắc đường trên tuyến Quốc lộ 70 trước đây luôn là điều rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp, không ít chuyến hàng, chúng tôi đã phải chịu thua lỗ để giữ uy tín với đối tác. Giờ đây đã khác, tổng doanh thu của Công ty trong năm 2015 ước đạt 230 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với năm 2014. Điều quan trọng hơn là giá cước vận tải hàng hóa từ Lào Cai tới cảng Hải Phòng đã giảm từ 450.000 đồng/tấn (năm 2014) xuống 230.000 đồng/tấn như hiện nay”.
Nói như vậy để thấy, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khai thác buộc ngành đường sắt phải đổi mới chất lượng phục vụ để cạnh tranh với vận tải đường bộ. Theo bà Đỗ Thị Gấm, Phó Trưởng Trạm Vận tải đường sắt Lào Cai, thì lượng hàng hóa, hành khách qua Ga quốc tế Lào Cai trong năm 2015 giảm 64% so với năm 2014 và chỉ tăng trở lại trong quý III, quý IV năm 2015 khi ngành đường sắt đầu tư gần 166 triệu USD (tương đương 3.434 tỷ đồng) để hoàn thành cải tạo giai đoạn I tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai đã giảm 40 phút so với trước đây và giá cước hàng hoá, giá vé cũng giảm theo. Trước đây, giá vé hành khách khoang 4 giường nằm trên tàu du lịch Lào Cai - Hà Nội là 640.000 đồng, nay chỉ còn 385.000 đồng. Ngoài việc nâng thời gian bán vé từ 5 giờ đến 21 giờ trong ngày, hiện Ga quốc tế Lào Cai tổ chức bán vé qua mạng internet, cung cách phục vụ được nâng lên theo hướng tận tình, chu đáo và lịch sự.
Sau hơn một năm đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã giúp cho dịch vụ vận tải nói riêng và ngành giao thông Lào Cai nói chung đổi mới cả về số lượng và chất lượng. Với tầm quan trọng về mặt chiến lược của tuyến đường này, Chính phủ, Bộ GTVT đã nhất trí về mặt chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn II trong những năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc, “trang mới” sẽ được mở không chỉ với ngành giao thông - vận tải, mà còn góp phần trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội Lào Cai và các tỉnh trong khu vực.
Theo thống kê của Sở GTVT Lào Cai, hiện trên địa bàn tỉnh có 63 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã và 76 hộ đăng ký kinh doanh vận tải chở khách với 526 ô tô từ 9 chỗ trở lên. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 469 xe ô tô taxi của 11 doanh nghiệp, 26 xe buýt và 182 xe đầu kéo (rơ moóc). Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do địa phương quản lý trong năm 2015 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2014.