Với quan điểm hạ tầng phải đi trước một bước, những năm qua, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Giao thông – đòn bẩy thu hút đầu tư
Không có vị trí thuận lợi như thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên hay huyện Bình Xuyên nhưng mấy năm gần đây, cùng với việc quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thì việc trục giao thông đối ngoại Hợp Châu – Đồng Tĩnh và 2 nút giao nối với đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai tại xã Kim Long và Đạo Tú đi vào hoạt động không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu kinh tế của nhân dân với các địa phương trong và ngoài tỉnh được thuận tiện mà còn góp phần tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Công thương huyện Tam Dương cho biết: "Để Tam Dương trở thành huyện có kinh tế, văn hóa – xã hội phát triển toàn diện, giai đoạn 2021-2030, trở thành một quận của đô thị Vĩnh Phúc có tốc độ và qui mô phát triển kinh tế ở tốp đầu của tỉnh. Những năm qua, Tam Dương đặc biệt chú trọng đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và coi đây là “đòn bẩy” để thu hút đầu tư, phát triển triển công nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch chung phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông và quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, hằng năm, ngoài ngân sách của Trung ương, của tỉnh, địa phương luôn ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống giao thông liên huyện, giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Từ năm 2009 đến nay, Tam Dương đã huy động trên 511 tỷ đồng cho việc xây mới và nâng cấp 446,7 km hệ giao thông nông thôn và 64 tỷ đồng cho cứng hóa giao thông nội đồng."
Dự kiến năm 2017 công trình đường giao thông Hợp Thịnh – Đạo Tú sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng
Đến nay, hệ thống giao thông ở Bình Xuyên từng bước được hoàn thiện, đảm bảo kết nối hiệu quả giữa các địa phương trong, ngoài tỉnh và kết nối với các tuyến giao thông chính đi các tỉnh, thành phố lân cận. Hiện toàn huyện có trên 50km đường tỉnh, với các tuyến Tỉnh lộ 302, 303, 305, 310; gần 40km đường huyện; 100% đường trục xã, liên xã, 98% đường trục thôn, trên 86% đường ngõ, xóm và trên 70% đường giao thông nội đồng được cứng hóa. Nhiều dự án hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư và đưa vào sử dụng, điển hình như: Đường nối thị trấn Hương Canh - xã Tân Phong; Hương Canh - Sơn Lôi; đường ven sông Cánh; đường Nguyễn Tất Thành, đường Tôn Đức Thắng giai đoạn I,II địa phận huyện Bình Xuyên; cầu Lò Cang…đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn".
Đặc biệt, nhờ cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, giai đoạn 2011-2015, Bình Xuyên thu hút 38 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 491 triệu USD. Riêng năm 2016, thu hút thêm 10 dự án FDI, với số vốn đăng ký trên 123 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 95 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 1,9 tỷ USD; 20 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 1.300 tỷ đồng và gần 900 doanh nghiệp dân doanh đăng ký hoạt động. Các các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Sản xuất gạch men, sắt thép, xe máy, các sản phẩm điện tử, may mặc…Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng toàn huyện đạt trên 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với năm 2011. Công nghiệp phát triển, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định đã góp phần giải quyết việc làm mới cho từ 2.300 - 2.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2,7%.
Hạ tầng giao thông vận tải đi trước một bước
Với quan điểm hạ tầng phải đi trước một bước, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phát triển. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, cơ bản đáp ứng về hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hiện toàn tỉnh có 24 tuyến đường tỉnh, dài 330km với tỷ lệ cứng hóa 100%. Các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp thành đường đôi có dải phân cách cứng. Cùng với đó, các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp, khu du lịch, tuyến đường huyết mạch qua các địa phương cũng được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây mới với tổng số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như: Đường vành đai 2 từ nút giao QL2 với đường Hương Canh - Tân Phong (Bình Xuyên); đường vào khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên); đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh; đường từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường vành đai từ nút giao Quốc lộ 2 với đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên tại Quất Lưu (Bình Xuyên); đường cụm kinh tế xã hội Hợp Thịnh; đường từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường tỉnh 301 (nút giao đường Nguyễn Tất Thành, thị xã Phúc Yên đến khu du lịch Đại Lải); đường Hợp Thịnh - Đạo Tú…nhằm tạo tiền đề quan trọng trong việc thu hút đầu tư, nhất là các lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên, kêu gọi đầu tư.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, nhiều công trình, dự án giao thông đã tạo “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó phải kể đến như: Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc, chiều dài hơn 40km, từ Km7+700 đến Km47+900 và được thiết kế 5 nút giao thông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên theo hình thức BOT đưa vào khai thác, sử dụng năm 2008, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối tam giác kinh tế phía Bắc gồm thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Dự án cải tạo, nâng cấp QL2C dài 48km từ cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đến xã Quang Sơn (Lập Thạch) kết nối với thủ đô Hà Nội thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đặc biệt, cuối tháng 12/2016 vừa qua, Vĩnh Phúc đã tổ chức khởi công công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2B từ cầu Chân Suối đến khu du lịch Tam Đảo 1. Dự kiến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, dự án không chỉ cải thiện hạ tầng du lịch - dịch vụ mà còn góp phần thu hút các nhà đầu tư và du khách đến đầu tư, tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch Tam Đảo I, Tam Đảo II. Đây được coi là bước đột phá nhằm từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2011-2020.
Không chỉ quan tâm đến đầu tư hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ, Vĩnh Phúc còn đặc biệt chú trọng và ưu tiên nguồn lực cho phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Hết năm 2016, toàn tỉnh đã cứng hóa được 91% đường giao thông nông thôn; 59,3% đường giao thông nội đồng, tạo sự kết nối hài hòa giữa các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm các huyện, thành phố, thị xã, thúc đẩy kinh tế vùng, nhất là tại khu vực nông thôn phát triển.
Với hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng đã giúp cho Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Theo thống kê của UBND tỉnh, đến tháng 3/2017, toàn tỉnh thu hút được 234 dự án FDI và 663 dự án DDI, trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, thép Việt Đức, Prime Vĩnh Phúc…đang đầu tư rất thành công tại tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và để Vĩnh Phúc tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, hiện nay, cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, Vĩnh Phúc xác định một trong những yếu tố níu chân được các nhà đầu tư là phải đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Do đó, trong kế hoạch đầu tư công, tỉnh luôn ưu tiên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển lĩnh vực giao thông vận tải. Riêng năm 2017, tỉnh đã dành 825 tỷ/ 1.200 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trình trọng điểm cho lĩnh vực này.
Thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hiện ngành Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án để khép kín 3 đường vành đai và một số các tuyến đường, tạo liên kết vùng, thúc đẩy du lịch, dịch vụ, công nghiệp của tỉnh phát triển như: Đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; đường nối từ Tây Thiên đến khu du lịch Bến Tắm; đường từ nút giao lập thể Văn Quán đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô; đường từ ĐT302 đến Đền Thỏng khu danh thắng Tây Thiên qua Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo); đường từ khu đô thị sinh thái FLC nối với cầu Vĩnh Thịnh…Bên cạnh đó, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn, miền núi; tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức: BOT, PPP, BTO, BT.