Ngày 4/10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND TP. Lạng Sơn, các huyện Hữu Lũng, huyện Chi Lăng tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng các cầu dân sinh (Lramp) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Lễ động thổ được tổ chức tại vị trí xây cầu Phiêng Cù (thuộc xã Quảng Lạc, Tp. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).
Theo ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Sở GTVT Lạng Sơn, sau lễ động thổ, sẽ khởi công xây dựng 5 cây cầu: Cầu Loi (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng); cầu Ao Cả (xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng); cầu Mỏ Đá (xã Quang Lang, huyện Chi Lăng); cầu Nà Cuối (xã Sao Mai, huyện Chi Lăng) và cầu Phiêng Cù (xã Quảng Lạc, Tp. Lạng Sơn).
Các cầu được thiết kế bán vĩnh cửu, tuổi thọ 50 năm, bằng bê tông xi măng.
5 cây cầu này nằm trong dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (Dự án Lramp) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 nhằm xây dựng các cầu dân sinh có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa bàn các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT, tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Hợp phần xây dựng cầu dân sinh của Dự án Lramp được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, dự kiến với 2.174 cây cầu có tổng số vốn đầu tư phân bổ là 5.525 tỷ đồng,
Theo ông Lê Đức Lộc, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 3 (đại diện chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn), Dự án xây dựng 5 cầu dân sinh ở Lạng Sơn là những công trình có tính cấp thiết phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. “Do đó, tôi đề nghị đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lạng Sơn, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thi công. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát khẩn trương huy động vật tư, thiết bị và nhân lực đến hiện trường để triển khai thi công ngay các gói thầu này đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương”, ông Lộc nói.
Bà Nông Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lạc chia sẻ tâm trạng vui mừng của chính quyền và nhân dân địa phương khi cây cầu mơ ước bao đời nay đã thành hiện thực. Bà Hương cho biết, vị trí xây cầu Phiêng Cù hiện chỉ có 1 thanh sắt bề rộng 30m bắc qua suối, người dân chỉ có thể đi bộ hoặc dắt xe qua một cách thận trọng. Mỗi đợt mưa lũ về nước ngập cầu, dân không thể qua lại bên này sông. Trong khi, phía bên kia sông là 35 hộ với 132 nhân khẩu, cùng 34 ha rừng và ruộng vườn.
“Việc có cây cầu mới sẽ giúp bà con đi lại thuận lợi, an toàn, phát triển KT-XH cho địa phương. Nhân dân hai bên cầu rất phấn khởi, đồng lòng hiến đất đai, hoa màu, cây cối hai bên cầu để Dự án được triển khai thuận lợi”, bà Hương cho hay.