Sau hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch hành động số 419/KH-UBATGTQG của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về “Thực hiện quy định của pháp luật về đội nón bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015”, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, không ít trẻ em vẫn “đầu trần” khi ngồi trên xe gắn máy.
Phụ huynh còn lơ là
Toàn tỉnh hiện có trên 220.000 học sinh cấp mầm non, tiểu học và THCS, phần đông học sinh các cấp này do cha mẹ đưa rước đến trường. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Cà Mau, rất nhiều học sinh chưa được trang bị nón bảo hiểm (NBH). Dẫu rằng, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về đội NBH đối với trẻ em, theo đó các đơn vị trường học đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho phụ huynh, học sinh các quy định về vấn đề này.
Phụ huynh cẩn thận đội NBH và mặc áo khoác chống nắng cho con em mình trước khi lên xe máy
Cô Hồ Huỳnh Phương Mai, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, cho biết, những ngày đầu tựu trường, nhà trường đã yêu cầu phụ huynh, học sinh và cả cán bộ, giáo viên thực hiện cam kết chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), trong đó có việc đội NBH cho các em khi đi trên xe mô-tô, xe gắn máy đến trường. Tiếp theo là tuyên truyền, nhắc nhở đảm bảo ATGT ở các lần họp phụ huynh, lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần, trong các tiết giảng trên lớp… Bên cạnh đó, trong năm học nhà trường 2 lần tổ chức thi tìm hiểu về ATGT theo hình thức hái hoa dân chủ.
“Các em còn nhỏ nên phụ huynh phải làm gương, nhưng thực tế không ít phụ huynh ý thức chưa cao. Đôi khi giám thị phát hiện trẻ không đội NBH, mời phụ huynh vào văn phòng nhà trường nhắc nhở, hầu hết các phụ huynh đều giả lả với nhiều lý do khác nhau. Và tình trạng trẻ không được trang bị nón NBH tuy có chuyển biến nhưng không đáng kể”, cô Phương Mai cho hay.
Theo lời cô Phương nói, phóng viên Báo Cà Mau đã khảo sát ý kiến nhiều phụ huynh. Có người cho rằng, thuận đường ghé rước các em nên không mang theo NBH. Người khác thì nói con mới năm đầu học lớp 1 nên chưa kịp mua NBH... Song, suy nghĩ chung của nhiều bậc phụ huynh cấp tiểu học là trẻ em đã có người lớn bảo vệ, nên chẳng cần quan tâm đến việc đội NBH khi đưa trẻ đến trường hay đi chơi bằng xe mô-tô, xe gắn máy. Hoặc có người có trang bị NBH cho trẻ nhưng lại là những chiếc nón thời trang rẻ tiền, không hợp quy cách và đảm bảo chất lượng.
Cần tăng cường tuyên truyền, xử lý
Dù là lý do nào đi chăng nữa thì việc không đội NBH cho trẻ khi đến trường là vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT và chưa tròn trách nhiệm làm cha, làm mẹ đối trẻ. Bởi lẽ, quy định đội NBH cho trẻ là nhằm tạo thói quen tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT đối với trẻ. Khi trẻ em đã có ý thức do thói quen từ nhỏ sẽ hình thành nhân cách khi trưởng thành, trật tự ATGT trong tương lai chắc chắn sẽ nền nếp hơn.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: "Trẻ em trên 6 tuổi phải được đội NBH khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy và người tham gia giao thông bằng xe đạp điện cũng phải đội NBH đã được quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2010 (hiện tại được thay thế bằng Nghị định số 46).
Năm 2013, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đồng loạt ra quân xử phạt phụ huynh không đội NBH cho trẻ em trên tuổi khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy. Ban ATGT tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp giáo dục ATGT với Sở GD&ĐT (giai đoạn 2013-2018), đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vấn đề này. Tuy nhiên, gần như công tác tuyên truyền giáo dục chỉ dừng lại ở các trường học mà chưa có sự quan tâm thường xuyên của chính quyền địa phương và các ngành liên quan, nên đến thời điểm này việc đội NBH cho trẻ vẫn chưa đi vào nền nếp.
Cho thấy, tuyên truyền, vận động đã kéo dài gần 7 năm (kể từ khi có quy định tại Nghị định số 34) và kiểm tra, nhắc nhở cũng đã trên 3 năm (từ cao điểm thực hiện Kế hoạch hành động số 419 của UBATGTQG), nhưng chưa tạo chuyển biến tích cực việc trong đội NBH cho trẻ em.
Thiết nghĩ, để đảm bảo trật tự ATGT, tuyên truyền pháp luật và xử lý răn đe cần được thực hiện song hành./.