Ngày 31/10, Ban QLDA 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng các cầu dân sinh (Lramp) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng các cầu dân sinh
tại Cao Bằng diễn ra sáng 31/10 trong không khí hân hoan
Lễ động thổ được tổ chức tại vị trí xây cầu Tân Lập (xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).
Theo ông Lê Đức Lộc, Phó giám đốc Ban QLDA 3, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án Lramp) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 nhằm xây dựng các cầu dân sinh có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa bàn các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT, tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn.
Hợp phần xây dựng cầu dân sinh của dự án Lramp được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, dự kiến với 2.174 cây cầu có tổng số vốn đầu tư phân bổ là 5.525 tỷ đồng, trong đó Cao Bằng được phân bổ gần 100 tỷ để xây dựng 51 cây cầu dân sinh nằm trên địa bàn 9 huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An, Hòa An, Thông Nông và TP. Cao Bằng và được phân chia thành 5 dự án thành phần.
“Dự án động thổ ngày hôm nay là dự án thành phần 2 gồm 7 cầu: Cầu Giộc Giao – Bản Vạc, cầu Tân Lập, cầu Khước Thước, Bản Cóong, Cốc Mặn (Bản Thần), cầu Khuông Vắc, cầu Thua Bản trên địa bàn 3 huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh và Phục Hòa. Quy mô các cầu là cầu cứng có tuổi thọ 50-75 năm, có mặt cắt ngang từ 3,5-4m, tải trọng thiết kế từ 0,45-0,65 HL93 và chiều dài đường nối hai đầu cầu từ 50-100m, trong đó có 10m tiếp giáp cầu được đổ bê tông xi măng, còn lại là cấp phối đồi”, ông Lộc thông tin.
Đồng thời, tại lễ động thổ, ông Lộc cũng thay mặt chủ đầu tư, đề nghị các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA 3, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai thi công.
“Yêu cầu nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát khẩn trương huy động vật tư, thiết bị và nhân lực đến hiện trường để triển khai thi công ngay các cầu của gói thầu này đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của chính quyền và nhân dân địa phương”, ông Lộc nói.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hải Giang thay mặt nhà thầu thi công cam kết sau lễ động thổ sẽ khẩn trương huy động vật tư, thiết bị và nhân lực đến hiện trường để triển khai thi công ngay các cầu của gói thầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Thay mặt tổ tư vấn giám sát, ông Cao Xuân Dược – Trưởng tư vấn giám sát Gói thầu (CB:2 TV3) hứa sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung tại hợp đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng Gói thầu. Thường xuyên bám sát hiện trường, thực hiện nhiệm vụ giám sát đảm bảo chất lượng cao nhất cho công trình thông qua công tác giám sát chặt chẽ Nhà thầu xây dựng nhằm đảm bảo công trình thực hiện đầy đủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật về xây dựng, các quy định liên quan, quy định của địa phương và các tài liệu hợp đồng.
“Đồng thời, tư vấn giám sát quản lý chất lượng, khối lượng, giá thành và tiến độ thi công xây dựng, quyết tâm sớm đưa công trình vào khai thác”, ông Dược nói.
Phát biểu tại lễ động thổ, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh bày tỏ tâm trạng vui vẻ, phấn khởi của chính quyền và nhân dân. Đồng thời tin tưởng công trình hoàn thành có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặc biệt trong giao thông.
“Chúng tôi mong muốn các đơn vị giám sát, tư vấn thiết kế thực hiện công việc đúng tiến độ, an toàn. Đề nghị chính quyền xã Trung Phúc, bà con nhân dân hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện giúp đơn vị thi công thuận lợi, nhanh chóng giải phóng mặt bằng và hành lang thi công”, ông Hải nói.
Chị Thu Hương (xóm Tân Lập, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh) vui vẻ cho biết nhận tin sáng nay động thổ xây cầu dân sinh, cả làng từ trẻ lẫn già ai cũng phấn khởi, “chúng tôi không đi làm mà ở nhà chứng kiến lễ động thổ ngày hôm nay. Trước đây, do nước lên, mỗi năm chúng tôi phải thay 3 cây cầu. Mọi người phải góp tre, góp gỗ rồi góp tiền mua dây thép, dây sắt để chằng buộc làm cầu, nhưng cũng nguy hiểm lắm. Từ giờ không phải lo lũ trôi cầu nữa rồi”, chị Hương chia sẻ.