Sở GTVT TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 212 thực hiện nghị quyết của HĐND TP thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Trong đó, phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những nhóm giải pháp được ưu tiên đặc biệt.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tới đây thành phố sẽ nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vận tải khách công cộng khối lượng lớn như: Đường sắt đô thị, BRT, Mono rail... bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ; Rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng; Có cơ chế, chính sách khuyến khích để đổi mới đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hóa và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro4, Euro5, sử dụng nhiên liệu sạch; Có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân; Giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng vi phạm các quy định trong quá trình khai thác.
Buýt nhanh BRT Hà Nội
Về giải pháp cấm xe máy, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ nghiên cứu áp dụng cả biện pháp hành chính lẫn kinh tế bằng việc thu phí để hạn chế xe máy, ô tô cá nhân vào những nơi hạ tầng giao thông không đáp ứng được.
“Thành phố cũng nghiên cứu để trong khu vực cấm xe máy có thể cho phép lưu hành xe điện. Đây là loại phương tiện xanh, sạch làm phương tiện trung chuyển, kết nối các điểm giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Ví dụ như hiện nay, tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm cho phép xe buýt chở khách du lịch được đỗ ở phố Trần Quang Khải. Từ đó, du khách có thể được vận chuyển vào khu vực phố đi bộ quanh hồ Gươm. Hiện, mới chỉ làm cự ly ngắn, sau sẽ nghiên cứu những cự ly dài hơn”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội vẫn phải chấp nhận xe máy thêm một thời gian nữa để phát triển giao thông công cộng. Trong tương lai gần, cần nghiên cứu các giải pháp kết hợp xe máy và GTCC. Trong tương lai xa hơn, cần có các chính sách tích hợp quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị và xây dựng phát triển các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn.
Cũng theo ông Khôi, 3 vấn đề của giao thông đô thị mà Hà Nội đang đối mặt là: Ùn tắc, TNGT và ô nhiễm môi trường. Cả 3 vấn đề này đều có một lời giải chung đó là phải phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt nhẹ, xe buýt nhanh.
“Tôi cho rằng, trước mắt cũng như lâu dài, Chính phủ và chính quyền các thành phố cần tập trung tối đa và quyết liệt cho việc xây dựng các tuyến này. Trong đó, xe buýt là quan trọng nhưng chính các hình thức vận tải bánh sắt mới là quyết định”, ông Khôi nói và cho rằng, Hà Nội cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.