Qua 11 năm thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-TTg ngày 29/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện nay hầu hết người tham gia giao thông đều ý thức rõ việc đội MBH không chỉ là chấp hành pháp luật mà MBH còn là vật dụng hữu hiệu để bảo vệ tính mạng của chính mình.
Lãnh đạo UBND tỉnh trao mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa)
Bà Phan Thị My, trú tại xã Nam Xuân (Krông Nô) cho biết: “Tôi nhớ, khi mới thực hiện quy định này, hầu hết người dân đều có tâm lý đối phó. Nhiều người chỉ sử dụng các loại mũ rẻ tiền, không quan tâm đến chất lượng. Giờ đây ai lên xe mà không đội MBH là cảm thấy đơn lẻ, lạc lõng”.
Em Hà Thị Giang, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, xã Đắk Wil (Chư Jút) cho hay: “Tại trường học, chúng em được tuyên truyền các kiến thức pháp luật về giao thông, trong đó có quy định phải đội MBH. Em cũng được xem các phim ảnh nói về hậu quả các vụ tai nạn, nhất là người đi xe không đội MBH, nên ý thức được việc phòng tránh tai nạn”.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, hiện nay trên 95% người dân đã tự nâng cao ý thức chấp hành quy định đội MBH. Trong gần 11 năm qua, lực lượng chức năng đã xử phạt gần 73.000 trường hợp không đội MBH. Tính bình quân, mỗi năm có dưới 730 trường hợp vi phạm. Số trường hợp vi phạm không đội MBH thấp hơn rất nhiều so với những lỗi khác. Nhờ đó, số ca chết vì chấn thương về não do tai nạn giao thông đã giảm 50% so với trước đây.
Cụ thể, bình quân mỗi năm, số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông là 5 vụ, giảm 5 vụ so với trước đây. Nhiều trường hợp bị tai nạn, nhưng nhờ đội MBH nên không bị thương tích nặng. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại như ở những vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn còn chủ quan, tình trạng điều khiển phương tiện mà không đội mũ vẫn còn. Một số trường hợp vẫn coi việc đội mũ chỉ là khỏi bị xử phạt chứ chưa thực sự coi đó là vật dụng để bảo vệ bản thân...
Từ khi Nghị quyết 32 ra đời cho đến nay, lực lượng chức năng, địa phương đã tổ chức 10.000 đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho 55.000 lượt người, cấp phát trên 55.000 tài liệu, tờ rơi, chiếu phim tài liệu cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các ngành, đoàn thể, tổ chức đã trao tặng cho người dân, học sinh trên 4.800 MBH và đổi, trợ giá cho hơn 24.000 MBH đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng.
Vì vậy, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và hướng đến mục tiêu 100% người điều khiển phải đội MBH theo quy định.