Sắp tới, Sở GTVT Tây Ninh định hướng phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) GTVT trên địa bàn tỉnh từ mô hình HTX dịch vụ hỗ trợ thành mô hình hỗn hợp giữa quản lý tập trung và dịch vụ hỗ trợ và tiến tới là mô hình quản lý tập trung.
Xe buýt lưu thông tại bến xe Tây Ninh.
Tính đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 9 HTX vận tải đường bộ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 2 HTX kinh doanh loại hình xe buýt. Trong năm, có 1 HTX không kinh doanh và đã trả giấy phép kinh doanh lại cho Sở.
Các HTX GTVT đã đi vào hoạt động ổn định, năng lực được nâng cao thông qua việc huy động vốn, tài sản, phương tiện của các xã viên, đổi mới phương thức tổ chức quản lý. Tuy nhiên, không ít HTX GTVT đang gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, xây dựng phương án kinh doanh.
Vừa qua, tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế tập thể năm 2017, ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tây Ninh cho biết, nhiều HTX hoạt động chỉ trên danh nghĩa, thực chất là cá nhân đứng lên thành lập làm các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu làm kinh doanh vận tải. Mọi hoạt động để phục vụ kinh doanh vận tải đều do xã viên tự quản lý nên đã làm giảm hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị.
Ngoài ra, dù đã có Luật HTX, nhưng các HTX GTVT vẫn còn hoạt động chủ yếu theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Trách nhiệm giữa ban giám đốc HTX và các thành viên chưa chặt chẽ; công tác hoạch định phương hướng sản xuất kinh doanh thiếu tính bền vững, lâu dài; và quan hệ tài chính nội bộ chủ yếu là phương thức khoán gọn nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, chưa đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Ông Nguyễn Văn Như - Giám đốc HTX vận tải hành khách và hàng hoá đường bộ Tân Biên cho biết, hiện nay, hoạt động vận tải đều do các thành viên tự chịu trách nhiệm nên mối liên hệ của các thành viên với bộ máy quản lý của HTX chưa thật sự khắng khít.
Đa số các phương tiện vận chuyển hàng hoá không cần hợp đồng cũng như hoá đơn nên các thành viên không khai báo số lượng hàng hoá cũng như số chuyến vận chuyển cho HTX. Do đó, HTX không thể cập nhật và theo dõi hoạt động kinh doanh của từng thành viên.
Hơn nữa, do gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt với xe khách chất lượng cao của các doanh nghiệp vận tải khác cùng địa bàn, nên số lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển của HTX giảm dần, và đến nay chỉ còn 2 xe tham gia trong HTX.
Theo ông Trịnh Văn Lo, việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới trên lĩnh vực GTVT phát triển bền vững là rất cần thiết. Sắp tới, Sở định hướng phát triển mô hình HTX GTVT trên địa bàn tỉnh từ mô hình HTX dịch vụ hỗ trợ thành mô hình hỗn hợp giữa quản lý tập trung và dịch vụ hỗ trợ và tiến tới là mô hình quản lý tập trung.
Đây là mô hình có nhiều ưu điểm nhất, vừa tập trung được khâu quản lý, vừa bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, đây là mô hình tương đối khó thực hiện vì đòi hỏi phải có tiềm lực và trình độ quản lý nhất định.