TP Hồ Chí Minh: Sẽ thêm nhiều tuyến vận tải đường thủy kết hợp du lịch

Thứ hai, 09/07/2018 14:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo định hướng, mô hình các luồng tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy kết hợp du lịch trên địa bàn TPHCM sẽ được đầu tư phát triển thêm từ nay đến năm 2025. Đó là khẳng định của ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM.

Theo ông Trần Quang Lâm, toàn thành phố đang có 74 bến hành khách, 1 cảng hàng hóa - hành khách, 1 bến hàng hóa - hành khách và 31 bến khách ngang sông. Trong năm 2017, lượng hành khách qua các cảng, bến thủy nội địa đạt gần 300.000 lượt, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng hành khách này bao gồm cả vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh. Trong khi đó, vận tải hành khách qua các bến ngang sông trong năm 2017 đạt 5.674.000 lượt, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước đó (năm 2016 đạt 3.467.000 lượt hành khách).

Vận tải hành khách nội tỉnh tập trung từ trung tâm thành phố tỏa đi các quận, huyện. Trong khi đó, các tuyến vận tải hành khách hoạt động liên tỉnh từ TPHCM tỏa đi nhiều tỉnh, thành như TP Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre… Hiện có 16 tuyến vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh đang hoạt động.

Cụ thể, trong năm 2017, tổng cộng 7 tuyến hành khách nội tỉnh bằng đường thủy đã vận chuyển được 272.000 lượt hành khách, còn 9 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh vận chuyển được 23.600 lượt hành khách. Từ ngày 10/2/2018, thành phố bắt đầu đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách đường thủy từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Suất - Cần Giờ và bến Khu du lịch Hồ Mây - TP Vũng Tàu. Tình hình hành khách đi lại theo các tuyến mới này khá khả quan. Tính từ khi đưa vào hoạt động đến giữa tháng 5-2018 vừa qua, lượng hành khách đi các tuyến này là 45.644 người.

Buýt sông đáp ứng cả nhu cầu đi lại và tham quan thành phố

Sự kiện cuối tháng 11/2017, tuyến buýt đường sông đầu tiên trên địa bàn TPHCM, với tên gọi tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông, được đưa vào hoạt động, không những đánh dấu sự ra đời của loại hình giao thông vận tải công cộng theo dạng thức buýt, trên cơ sở vận dụng thế mạnh sông nước, đồng thời cũng chính thức xác nhận những lợi ích to lớn đến từ mạng lưới đường thủy trên địa bàn thành phố một khi được khai thác.

Những kết quả khả quan ban đầu cho thấy, đây là một hướng đi đúng. Theo thống kê, bình quân tuyến buýt đường sông này thu hút được khoảng 60 - 75 hành khách/chuyến. Đặc biệt, trong các ngày nghỉ cuối tuần, số lượng hành khách đến với buýt đường sông rất đông, có nhiều thời điểm đạt đến 95% công suất khai thác của phương tiện. Một cách tổng quát, tình hình khai thác, vận hành của tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng - Linh Đông được đảm bảo an toàn và ổn định trong suốt thời gian qua.

Không dừng lại ở đó, việc gắn kết đường đường sông nói riêng và vận tải hành khách bằng đường thủy nói chung với hoạt động du lịch đã được tính đến nhằm làm tăng thêm sức hút, hiệu quả cho địa hạt vận tải hành khách này. Hiệu quả sẽ còn tăng hơn nữa một khi có sự kết hợp với hoạt động du lịch sông nước. Những thuận lợi đáng chú ý của vận tải hành khách đường thủy kết hợp du lịch đó là TPHCM có nhiều điểm tham quan du lịch gắn với đường thủy như Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi...

Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế của loại hình vận tải hành khách bằng đường thủy kết hợp du lịch vẫn còn đó một số điểm hạn chế như vấn đề phát triển hạ tầng. Hiện nay, quỹ đất dùng đầu tư xây dựng cảng, bến, khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh trên và dọc sông, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ du lịch còn chưa nhiều. Hành lang ven bờ sông tại một số khu vực còn riêng lẻ, phân đoạn, chưa được kết nối thông suốt. Một hạn chế khác là chi phí đầu tư ban đầu thường lớn, kinh phí vận hành khai thác đường thủy cao, thời gian thu hồi vốn chậm.

Ngoài tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng - Linh Đông (Thủ Đức) đang được khai thác và tuyến buýt đường  thủy số 2 Bạch Đằng - Lò Gốm (quận 6) sắp được vận hành, từ nay đến giai đoạn năm 2025, TPHCM sẽ đầu tư thêm nhiều tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy kết hợp du lịch. Chẳng hạn như các tuyến buýt đường thủy số 3 sông Sài Gòn - Rạch Chiếc - sông Đồng Nai có cự ly tuyến 5km, kết nối với các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Tuyến buýt đường thủy số 4 sông Sài Gòn - Kênh Tẻ - Kênh Đôi dài 16km. Tuyến  buýt đường thủy số 5 sông Sài Gòn - mũi Đèn Đỏ - sông Nhà Bè với cự ly hành trình dài 14km. Tuyến buýt đường thủy số 6 sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - cầu An Lộc cự ly tuyến dài 17km. Tuyến buýt đường thủy số 7 sông Sài Gòn - Kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đĩa - sông Phú Xuân - sông Soài Rạp với cự ly hành trình dài 23km...

kimcuc

Nguồn: Sài Gòn giải phóng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)