Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngành GTVT Nghệ An đã tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Các công trình, dự án từng bước hoàn thành, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ
Mặc dù trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, thắt chặt đầu tư công, nhưng ngành GTVT Nghệ An đã có những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Cầu Yên Xuân nối đôi bờ sông Lam, liên thông 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, xóa thế cô lập về giao thông đường bộ khu vực phía Tây Nam xứ Nghệ và Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thi công Đại lộ Vinh- Cửa Lò. Ảnh Phú Hương
Đưa vào khai thác sử dụng Dự án nâng cấp QL48, QL15A qua Khu di tích Truông Bồn; đường gom phía Tây Quốc lộ 1A đoạn Quán Hành - Quán Bánh; đường du lịch sinh thái núi Đại Huệ; dự án xây dựng tuyến đường miền Tây Nghệ An đã hoàn thành, thông tuyến, kết nối cùng QL7, QL48, đường Hồ Chí Minh tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, góp phần giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh, thúc đẩy KT-XH khu vực miền Tây phát triển.
Đồng thời, ngành đã thu hút nguồn vốn của Trung ương, địa phương triển khai các dự án quan trọng nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương; hệ thống cầu vượt tại nút giao tuyến QL48E với Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam.
Sở GTVT tích cực tham mưu UBND tỉnh làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bố trí nguồn vốn để sớm triển khai các dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1, hiện đang triển khai thi công các hạng mục nền, mặt đường và công trình trên tuyến, dự kiến thông xe trong năm 2018); đang triển khai thi công đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Vinh: Dự án do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư, hiện đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đường bộ cao tốc nối Cửa khẩu Thanh Thủy – Pacxan: Dự án do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư, hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Hội, hiện Sở GTVT đang triển khai các thủ tục đầu tư dự án đoạn từ Quốc lộ 46 (Cửa Lò) đến Tỉnh lộ 535 (Cửa Hội), dự kiến triển khai xây dựng trong năm 2018.
Tuyến đường N5 kết nối các vùng kinh tế miền Tây Nghệ An
với KKT Đông Nam đến Cụm cảng Quốc tế Cửa Lò. Ảnh Thành Cường
Một trong những thành công lớn của ngành GTVT trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đó là ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GTVT chấp thuận chuyển một số tuyến đường địa phương (với tổng chiều dài là 733,45 km) lên Quốc lộ; tham mưu UBND tỉnh chuyển một số tuyến đường huyện (với tổng chiều dài là 549,4 km) lên đường tỉnh.
Đặc biệt, Sở tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 56 về giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ. Công tác khắc phục bão lụt được chỉ đạo kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt.
Cùng với các công trình trọng điểm, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Kết quả từ năm 2016 đến tháng 6/2018: Đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa được khoảng 1.979 km đường. Về hệ thống cầu dân sinh, đã hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng 12 cầu; cơ bản hoàn thành 32 cầu; đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị triển khai 34 cầu trong năm 2018 và 33 cầu trong năm 2019.
Kiểm tra thi công cầu vượt đường sắt D4 tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Lê
Ngoài ra, ngành GTVT đã phối hợp triển khai các dự án quan trọng khác như: Hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng Cảng xăng dầu DKC, Cảng Vissai,…
Những công trình, dự án trên đã tăng cường kết nối giao thông, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, là 1 trong 5 mũi đột phá để tạo bước phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đó là mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII đề ra.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT: “Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kêu gọi, thu hút, lồng ghép các nguồn vốn; làm việc với bộ, ngành Trung ương để quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng thời ngành nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong suốt quá trình thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đến khai thác, sử dụng công trình…”.
Đột phá về cấp đổi giấy phép lái xe
Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, trong nhiệm kỳ qua, ngành GTVT Nghệ An còn tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vận tải. Hạ tầng bến bãi, phương tiện được đầu tư mới, thêm các tuyến được cấp phép đã tạo cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa thuận lợi.
QL48E đoạn qua huyện Nghĩa Đàn được nâng cấp. Ảnh Thanh Lê
Sở đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 2 bến xe loại 1 là Bến xe Bắc Vinh và Bến xe Miền Trung nâng tổng số bến xe khai thác là 16 bến xe. Các phương tiện tham gia vận chuyển đều được cấp phù hiệu, giám sát hành trình, sổ nhật trình và thực hiện kế hoạch, tần suất, biểu đồ khai thác trên tuyến bảo đảm quy định. Chất lượng vận tải từng bước được cải thiện, các phương tiện cũ, lạc hậu được thay thế.
Ngành còn phối hợp phát triển giao thông đường không, đường thủy, nâng cao năng lực vận chuyển mới. Sân bay Vinh được đầu tư nâng cấp trở thành sân bay quốc tế; vận tải hàng không liên tục tăng chuyến và mở thêm các tuyến bay. Hệ thống cảng biển với việc đầu tư nâng cấp Cảng Cửa Lò, các phương tiện nâng, dỡ cho phép các tàu vận tải 10.000 tấn trở lên ra vào cảng, nhờ đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng nâng lên hàng năm.
Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, tạo đột phá đi đầu cả nước trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), giải quyết nhanh gọn, thuận lợi cho người dân, chủ động ngăn ngừa, chống các biểu hiện tiêu cực, nâng cao chất lượng đào tạo.
Cán bộ Sở GTVT Nghệ An khảo sát thực địa tuyến cao tốc
Hà Nội - Viêng Chăn đoạn qua Cửa khẩu Thanh Thủy. Ảnh: Thanh Lê
Công tác quản lý cấp đổi GPLX bằng vật liệu PET theo quy trình mới ngày càng hiện đại hơn. Duy trì việc trả GPLX qua dịch vụ gửi bảo đảm; thực hiện đổi GPLX tại các trung tâm bưu điện 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc cấp GPLX ngay sau sát hạch ô tô, xe máy đối với các học viên trúng tuyển. Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, thực hiện cấp mới, đổi khoảng 324.000 GPLX các loại.
Lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ được thực hiện trên thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm định, bảo đảm chất lượng kiểm định. Thực hiện công tác cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, giảm phiền hà, đảm bảo thuận tiện phục vụ tốt cho nhân dân; được tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện tốt công tác CCHC.
Sở quan tâm chỉ đạo công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Thực hiện thu đúng, thu đủ, đảm bảo kịp thời, chính xác. Công tác thanh tra giao thông được tiến hành thường xuyên, tập trung vào thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATGT và hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, vi phạm hành lang giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, bảo vệ kết cấu công trình giao thông, vi phạm về trật tự an toàn giao thông,…
Cấp đổi GPLX qua bộ phận một cửa Sở GTVT Nghệ An. Ảnh Thanh Lê
Sở đã tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp tích cực, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Do đó, tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế, số liệu tai nạn giao thông của năm sau so với năm trước giảm trên cả 3 tiêu chí.