Nhờ tập trung nguồn lực, phát huy nội lực, huy động sức dân để đầu tư hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông huyện Bảo Lạc, Cao Bằng từng bước hoàn thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Huyện Bảo Lạc huy động lực lượng dân quân tự vệ
mở đường vào xóm Duồng Dình, xã Kim Cúc
Là địa phương có địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại hết sức khó khăn nên huyện Bảo Lạc thời gian qua luôn ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Giai đoạn 2015 - 2019, trong kế hoạch đầu tư công 631,2 tỷ đồng, huyện ưu tiên bố trí đầu tư cho lĩnh vực giao thông 443,6 tỷ đồng, chiếm 70,2%.
Ngoài ra, bố trí một số nguồn vốn đầu tư khác từ ngân sách để khắc phục bão lũ, duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa các công trình thiết yếu... phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Nâng cấp 5 tuyến đường huyện lên đường tỉnh, tổng chiều dài 71,3km gồm: đường Bảo Lạc - Cô Ba - Pác Dào - Thiêng Qua; đường Ngọc Động (Hà Quảng) - Hồng An - Bản Ngà - Nà Han - Sơn Lộ - Sơn Lập, đường 202 kéo dài qua Phan Thanh - thị trấn Bảo Lạc; 3 tuyến đường xã lên đường huyện, tổng chiều dài 26km gồm đường Khánh Xuân - Xum Hẩu, đường Pác Miong - Nặm Pắt, đường Cốc Pàng - Nà Sa.
Trong 5 năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới, nhất là các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông chính, như cải tạo sửa chữa Quốc lộ (34, 4A), nâng cấp đường tỉnh 202 đoạn Ca Thành - Pác Lũng, Bảo Lạc - Cô Ba, Đường tỉnh 215 xây dựng mới tuyến Hồng An (Bảo Lạc) - Ngọc Động (Hà Quảng), cải tạo nâng cấp đoạn Lũng Pán - Xuân Trường, Đường tỉnh 217 cải tạo, sửa chữa đoạn Phiêng Sỉnh; thảm áp phan 1,6 km đường nội thị thị trấn (đoạn Nà Chùa - UBND thị trấn), mở mới 139km đường giao thông tại các xã.
Hệ thống cầu treo, cầu dân sinh được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa theo định hướng quy hoạch phát triển GTNT và huy động các nguồn lực thực hiện bê tông hóa đường làng, ngõ xóm.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đầu tư 343,9 tỷ đồng thực hiện 107 công trình giao thông. Trong đó, mở mới 47 tuyến đường xã dài 161,15km, 6 tuyến đường xóm dài 3,73km; cải tạo, nâng cấp 3 tuyến đường huyện dài 7,3km, 4 tuyến đường xã dài 2,33km, 42 tuyến đường xóm, đường nội đồng dài 12,57km, 5 cầu dân sinh dài 350m.
Thực hiện cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng để bê tông mặt đường, huyện đầu tư hơn 12 tỷ đồng mua xi măng, nhân dân đóng góp 5.473 ngày công lao động mở mới 26 tuyến đường xóm, đường nội đồng dài 12,5km; cải tạo, nâng cấp 57 tuyến đường bê tông dài 25,52km.
Đến nay, toàn huyện có 1.290km đường giao thông, gồm: 90 km quốc lộ, 126,6km Đường tỉnh, 147,8km đường huyện, 475,6km đường xã, 450 km đường xóm. Kết cấu đường từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với 25% mặt đường nhựa, bê tông; 50% đường rải cấp phối; 25% đường đất.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và có sự chuyển biến rõ rệt, nhưng hệ thống GTNT huyện Bảo Lạc hiện chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Toàn huyện còn 2 tuyến đường đến trung tâm 2 xã Sơn Lộ, Sơn Lập chưa được cứng hóa. Các tuyến đã xây dựng thì khả năng chịu tải hạn chế, một số tuyến bị hư hỏng do thiếu nguồn lực đầu tư, nâng cấp.
Công tác quản lý chưa được chú trọng đúng mức, chưa tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn từ xóm, bản đến trung tâm xã; chưa đảm bảo nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng núi đá biên giới. Việc khai thác các nguồn lực xây dựng phát triển GTNT còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ sử dụng ngân sách nhà nước, việc đầu tư chưa theo kế hoạch, còn dàn trải, kéo dài thời gian thi công làm giảm hiệu quả đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Văn Cương cho biết: Đến nay, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết cấu hạ tầng giao thông của huyện từng bước đầu tư hoàn thiện đồng bộ. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được bốn mùa; 95% đường đến xóm, bản, liên xóm, liên xã xe máy đi lại được, trong đó có 75% xe ô tô tải nhẹ đi lại được.
Thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình phát triển GTNT. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các ngành tham mưu phối hợp thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, tham gia giám sát tiến độ, chất lượng công trình, tổ chức quản lý sử dụng và bảo trì công trình theo phân cấp quản lý.
Ưu tiên đầu tư tại các xóm, xã có sự đồng thuận cao, người dân tự nguyện hiến đất xây dựng công trình, dự án. Bên cạnh đó, tỉnh cần ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phát triển và bảo vệ các công trình giao thông, nhất là các huyện nghèo; đầu tư cho công tác bảo dưỡng hệ thống đường GTNT.