Sau 3 tháng triển khai dừng các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam đi vào nội thành, các tuyến xe buýt nội thành Đà Nẵng đã bắt đầu nâng cao hiệu quả vận hành. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động này vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Hoạt động xe buýt trợ giá của thành phố có khởi sắc,
sau khi cấm các tuyến xe buýt liền kề vào nội thành
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng, lượng hành khách đi xe buýt gần đây đang có xu hướng gia tăng nhanh. Năm 2020, tổng lượt hành khách đi các tuyến xe buýt nội đô Đà Nẵng đạt hơn 2,8 triệu lượt, riêng tháng 11 và 12/2020 (thời điểm cấm các xe buýt tuyến Quảng Nam vào nội thị), có đến gần 500.000 lượt khách.
Trong 3 tháng gần đây đã tăng vọt lên gần 700.000 khách. Bên cạnh đó, các tuyến đường trung tâm thành phố hiện không còn cảnh những chuyến xe có chất lượng dịch vụ kém, không được vệ sinh sạch sẽ, xả khói đen, ghế ngồi hư hỏng, thủng nát, thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu, đón trả khách sai quy định, thường xuyên lấn làn gây nguy cơ mất an toàn giao thông... Dù vậy, một số tuyến xe buýt nội thành và liền kề vẫn còn thiếu khớp nối và tính kết nối, nhất là tuyến Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang đi vào nội thành và tuyến Bến xe phía Nam, khiến người dân chưa thật sự lựa chọn đi lại bằng xe buýt.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả các tuyến buýt nội thành, ngay từ bây giờ các ngành chức năng của thành phố cần đẩy mạnh hoạt động khớp nối các tuyến buýt liền kề với tuyến buýt nội thành, cũng như nâng cao năng lực vận hành, quản lý hoạt động, tài chính của đơn vị quản lý tuyến buýt nội thành.
Năm 2025 đưa vào hoạt động 26 tuyến buýt
Theo Ban quản lý các dự án đầu tư cở sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, mục tiêu cuối quý 2/2021 sẽ hoàn thiện, bàn giao 11 trạm xe buýt cho ngành GTVT vận hành. Trong đó, nhiều trạm đã đi vào hoạt động như trạm Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn, Bến xe phía Nam thành phố, Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Ngoài ra, ngành giao thông thành phố cũng sẽ tăng thời gian, lộ trình, số lượng xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trước hết, Đà Nẵng xây dựng kế hoạch bổ sung thêm tuyến xe buýt nội thành số 8 tại Bến xe phía nam, cùng với tuyến xe buýt số 7 hiện hữu để tăng lượng xe phục vụ hành khách từ Quảng Nam đi Đà Nẵng dừng ở điểm trả khách này.
Giám đốc Sở GTVT thành phố Lê Văn Trung cho biết, để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, Đà Nẵng đã đầu tư 12 tuyến xe buýt trợ giá nội thành và xây dựng các điểm đầu - cuối để kết nối các tuyến xe buýt liền kề tại các vị trí: Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn, Bến xe phía nam thành phố, Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang.
Cũng theo Sở GTVT thành phố, mạng lưới xe buýt của thành phố đang được đầu tư, mở rộng, đáp ứng khoảng 41% diện tích vùng phục vụ của Đà Nẵng. Đến nay, thành phố có 20 tuyến xe buýt, trong đó 5 tuyến buýt liền kề (100 xe); 12 tuyến buýt nội đô (gồm 11 tuyến được thành phố trợ giá và 1 tuyến buýt TMF do quỹ Toyota Mobility Foundation-TMF tài trợ); 2 tuyến buýt du lịch; 1 tuyến buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Huế. Chỉ riêng 12 tuyến xe buýt trợ giá có mạng lưới hoạt động gần 250km với khoảng gần 800 điểm dừng.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng của thành phố sẽ hoàn thiện và tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, bảo đảm tính bao phủ. Dự kiến, đến năm 2025 đưa vào hoạt động 26 tuyến buýt (xe buýt thường và xe buýt chất lượng cao) nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m/trạm; bảo đảm chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khai thác hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá. Đồng thời triển khai đề án cơ chế, đề xuất chính sách hỗ trợ, ưu đãi khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; xúc tiến nghiên cứu khả thi hệ thống đường sắt đô thị phục vụ giao thông cộng cộng khối lượng lớn...