Theo thiết kế ban đầu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả không có hầm xuyên núi. Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động, giữ gìn cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, môi trường của hệ thống núi đá vôi khu vực, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá và tạo điểm nhấn ấn tượng trên toàn tuyến, phương án thiết kế đã được điều chỉnh từ đường xuyên núi thành hầm xuyên núi.
Đây là đường hầm đầu tiên, lớn nhất tại Quảng Ninh. Với quy mô 6 làn xe, đây cũng là đường hầm xuyên núi có nền đường lớn ở Việt Nam.
Nhà thầu thi công gia cố cửa hầm xuyên núi.
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 18,7km, là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, đóng vai trò giảm tải lưu lượng giao thông cho QL18, tăng cường kết nối du lịch giữa 2 đô thị lớn là Hạ Long và Cẩm Phả. Công trình hoàn thành sẽ khai thác các tiềm năng về đất đai trong khu vực tuyến đi qua, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, hình thành nhiều cảng bến và khu đô thị dọc theo tuyến.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh, cho biết: Các hạng mục của dự án đang được tập trung thi công, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Riêng hạng mục hầm xuyên núi, do các yếu tố về địa chất phức tạp, phương án thiết kế, giải pháp thi công yêu cầu đảm bảo cảnh quan khu vực… Vì thế, cần nhiều thời gian để tính toán cụ thể, thi công muộn hơn các hạng mục khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là đường găng của toàn bộ dự án, bởi thông hầm thì mới thông được toàn tuyến. Do đó, chủ đầu tư đã cân đối rất kỹ, lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để đảm nhận việc thi công trong thời gian ngắn nhất.
Hầm xuyên núi được thi công từ tháng 3/2021, thiết kế dài 235m, với 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe (một trong số những hầm có nền đường lớn ở Việt Nam) do Công ty Đèo Cả - đơn vị có kinh nghiệm xây dựng hầm giao thông, chịu trách nhiệm thi công. Đến nay, cửa hầm phía TP Cẩm Phả, nhà thầu đang tập trung thi công hầm tạm nhánh phải, khoan neo gia cố mái cơ và khoan nổ gương hầm chính; nhánh trái đã khoan nổ xong hố móng cửa hầm tạm, khoan neo gia cố mái cửa hầm. Cửa hầm phía TP Hạ Long, đang khoan nổ cửa hầm; gia cố, thi công cửa hầm.
Nhà thầu bố trí 4 mũi khoan song song tại 2 đường hầm cửa phía Hạ Long và Cẩm Phả. Đồng thời, thi công song song kết cấu chống đỡ bằng phương pháp phun bê tông, neo đá và khung chống thép dạng dầm thép hình, đảm bảo yêu cầu hệ thống kết cấu chống đỡ. Riêng hạng mục hầm trần được thi công theo phương pháp đào trần hố móng, đổ bê tông vỏ hầm, liên kết với hầm chính bằng mối nối không thấm nước và có khả năng biến dạng được.
Ông Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban Điều hành công trình, cho biết: Hiện với diện thi công đang có, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, ứng dụng phương tiện, kỹ thuật mới để tổ chức thi công đồng bộ trên toàn công trường. Tuy nhiên, dù đã thi công nhiều hầm xuyên núi ở Việt Nam, địa chất khu vực này rất phức tạp. Dù đã khảo sát, song trong quá trình tổ chức thi công vẫn gặp phải một số hang caster, đá không liền khối, đất đá xen kẹp trên tuyến. Ngay tại khu vực các cửa hầm, kết cấu đá rời rạc khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều đoạn nằm ở sườn núi, nên từng phủ (độ dài từ nóc hầm lên tới đỉnh núi) chỉ khoảng 40m, khiến kết cấu yếu hơn rất nhiều so với đường hầm xuyên qua giữa núi…
Để khắc phục, đơn vị thi công phải gia cố cửa hầm và những vị trí địa chất phức tạp rồi mới tổ chức khoan tiếp được. Hiện tiến độ mỗi ngày chỉ đào được 1,5m. Tuy nhiên, nhà thầu quyết tâm sẽ đào thông hầm vào tháng 6, thi công đổ bê tông vòm hầm xong trong tháng 11, hoàn thiện các hạng mục còn lại và bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 12/2021.