Sau hơn 5 năm (2016 - 2020), huyện Hòa An, Cao Bằng huy động nguồn lực tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đạt một số kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Người dân xóm 6 Bế Triều, thị trấn
Nước Hai (Hòa An) bê tông hóa đường trục xóm
Huyện Hòa An phấn đấu đến năm 2020, 100% mặt đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng; 40% mặt đường xã được bê tông xi măng; đường thôn, xóm sạch, không bị trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa, trong đó 50% mặt đường được bê tông xi măng; cơ bản có đủ các tuyến đường nội đồng đảm bảo các phương tiện thô sơ, xe tải nhẹ, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp đi lại được thuận tiện; xây dựng các cầu dân sinh theo Đề án xây dựng cầu dân sinh do Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt và theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phải được bảo trì theo quy định để duy trì tốt nhất khả năng khai thác của tuyến đường.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 21/12/2016 của HĐND huyện về phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xác định tên tuyến đường và nhu cầu vật liệu để làm đường GTNT giai đoạn 2017 - 2020 phục vụ việc xác định kế hoạch thực hiện nghị quyết; UBND các xã, thị trấn hằng năm căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch vốn được giao rà soát và lập danh mục các tuyến đường theo thứ tự ưu tiên cần đầu tư vào kế hoạch đầu tư công, phát triển KT - XH hằng năm của xã, đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đầu tư trên 370,8 tỷ đồng xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 361,64 km đường các loại, trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư 337,5 tỷ đồng; Công ty Xi măng Hoàng Thạch hỗ trợ 550 tấn xi măng; nhân dân đóng góp 33,3 tỷ đồng và 122.336 ngày công lao động.
Sau hơn 5 năm thực hiện nghị quyết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện cơ bản hoàn thành 5/6 mục tiêu đề ra, chỉ còn 1 mục tiêu không hoàn thành là 21 km đường huyện quản lý chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Tuy nhiên, các công trình hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa, nâng cấp; đường tránh thị trấn Nước Hai chưa có kinh phí đầu tư, hiện đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Nước Hai có lưu lượng tham gia giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các điểm du lịch phát triển chậm, chủ yếu là khách địa phương, phần lớn do cơ sở hạ tầng còn yếu, đặc biệt là tuyến kết nối các điểm du lịch qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp không đáp ứng yêu cầu kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài huyện.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, Huyện ủy Hòa An ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 1/12/2020 về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% đường tỉnh và đường huyện quản lý, 85% đường xã quản lý được láng nhựa hoặc bê tông xi măng; đường nội đồng, đường nội vùng phục vụ sản xuất đảm bảo đi lại thuận tiện cho phương tiện thô sơ, xe tải nhẹ, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp; 100% cầu dân sinh được đầu tư xây dựng; 100% tuyến đường được duy tu, bảo trì hằng năm.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, lợi ích và tầm quan trọng của giao thông nội vùng phục vụ sản xuất, tuyến đường kết nối các khu di tích lịch sử, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, đường tránh thị trấn Nước Hai...; về trách nhiệm của cộng đồng và từng hộ gia đình nhằm tạo thành phong trào làm đường giao thông rộng lớn, đều khắp trong toàn huyện với sự tham gia tích cực, chủ động của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm và hằng năm, trên cơ sở đánh giá thực trạng từng tuyến đường, lồng ghép các nguồn vốn để làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý; ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp các đường trục xã, những tuyến quan trọng của huyện, các đoạn tuyến hư hỏng nặng. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cụ thể, chi tiết đến từng công trình; tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, từ các tổ chức, huy động đóng góp từ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để hỗ trợ đầu tư xây dựng.
Nâng cao hiệu quả công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án cần thu hồi đất đối với sự phát triển của địa phương và nhân dân, nhất là người dân trong vùng dự án bị thu hồi đất. Phổ biến các quy định, chính sách của Nhà nước về bồi thường, tái định cư được áp dụng khi thu hồi đất; thể hiện rõ tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong thực thi công tác giải phóng mặt bằng.