Bước ngoặt quan trọng cho phát triển hệ thống cảng biển Thanh Hóa

Thứ năm, 21/10/2021 08:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu quy hoạch của các tỉnh và Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định Phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, hệ thống cảng biển Thanh Hóa được phân nhóm cảng biển loại I.

Theo quy hoạch này, hệ thống cảng biển Thanh Hóa được phân nhóm cảng biển loại I. Trong 15 cảng biển loại I của cả nước, cảng biển Thanh Hóa lại là 1 trong 3 cảng biển được quy hoạch thành cảng “đặc biệt”. Đây chính là cơ sở, là bước ngoặt quan trọng phát triển hệ thống cảng biển Thanh Hóa ngày càng hiện đại trong tương quan với quy hoạch phát triển cảng biển cả nước.

Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch cho
phát triển kinh tế – xã hội liên vùng và kết nối quốc tế

Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu quan điểm phát triển cảng biển là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng để bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội. Sau quy hoạch tổng thể, những năm tới, hạ tầng cảng biển cả nước sẽ được ưu tiên phát triển, có định hướng rõ ràng để phát huy lợi thế của quốc gia ven biển.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển cảng biển Việt Nam đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Về năng lực đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng trong nước và hàng trung chuyển quá cảnh cho các nước trong khu vực và vận tải hành khách đường biển nội địa và quốc tế. Đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam dự kiến sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn và từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.

Theo tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí “cảng xanh”. Đến thời điểm này, các cảng biển sẽ trở thành trụ cột chính, có vai trò động lực, dẫn dắt phát triển thành công kinh tế hàng hải theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần đưa nước ta thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao.

Theo quy hoạch chung, hệ thống cảng biển Thanh Hóa được đánh giá cao về mặt vị trí địa lý cũng như dư địa phát triển, có sự định hướng để phát triển thành “cảng đặc biệt” trong tương lai. Theo phân loại cảng biển giai đoạn tới, ngoài cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt, thì cảng biển Thanh Hóa được quy hoạch cảng loại I cùng với hệ thống các cảng biển: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Định..., trong đó, 3 hệ thống cảng biển gồm: Thanh Hóa, Đà Nẵng và Khánh Hòa được quy hoạch thành cảng đặc biệt, phát triển như cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay.

Về định hướng phát triển, cảng biển Thanh Hóa được quy hoạch hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, trở thành cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung bộ, kết nối nước bạn Lào bằng đường bộ... Hệ thống cảng biển Thanh Hóa cũng được quy hoạch cụ thể, gồm: Khu bến Nam Nghi Sơn là vùng đất và nước từ cầu đường bộ nối đảo Biện Sơn đến giáp tỉnh Nghệ An, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiềm năng trở thành cảng cửa ngõ khu vực Bắc Trung bộ, có các bến: tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí...

Bến Nam Nghi Sơn sẽ được nạo vét và phát triển hạ tầng để đón tàu có tải trọng lên đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Khu bến Bắc Nghi Sơn là khu vực phía Nam cửa Lạch Bạng đến cầu đường bộ nối đảo Biện Sơn. Bến này được quy hoạch phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp tại chỗ như lọc hóa dầu, xi măng, điện cùng các khu công nghiệp liền kề và vùng phụ cận. Trên cơ sở điều kiện sẵn có, hạ tầng của bến Bắc Nghi Sơn sẽ được tiếp tục đầu tư hiện đại để có thể đón tàu tải trọng 100.000 tấn và lớn hơn khi đủ điều kiện.

Khu vực đảo Hòn Mê cách bờ khoảng 10 km với luồng nước sâu cũng được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển cảng biển trong thời gian tới. Khu bến Đảo Hòn Mê được quy hoạch trên vùng nước đảo Mê với chức năng là bến nhập dầu thô, khu neo chuyển nhập hàng rời, hàng lỏng phục vụ cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các khu neo chuyển tải hàng hóa xuất nhập khẩu cho tàu tải trọng lớn hỗ trợ cho các khu bến Nam Nghi Sơn và Bắc Nghi Sơn. Khu bến nước sâu này được quy hoạch phát triển có thể đón được tàu lớn có tải trọng đến 400.000 tấn.

Ngoài ra, Thanh Hóa cũng được đưa vào quy hoạch phát triển các bến cảng nhỏ hơn là Quảng Nham, Lạch Sung để phục vụ phát triển nhu cầu công nghiệp sau cảng, có các bến tổng hợp, bến hàng rời, hàng lỏng. 2 bến cảng này sẽ được đầu tư xây dựng để có thể đón được các tàu có tải trọng 7.000 tấn. Các bến nằm sâu trong đất liền thuộc dòng sông Mã là Lễ Môn, Quảng Châu cũng được đưa vào quy hoạch phát triển cảng Thanh Hóa trong thời gian tới, có thể đón tàu 2.000 tấn, để trở thành những bến vệ tinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài hệ thống cảng và các bến cố định, Thanh Hóa cũng được khuyến khích phát triển các bến phao, khu neo chuyển tải ngoài khơi cho tàu hàng lỏng và khí có tải trọng lên đến 60.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Trên thực tế, tỉnh Thanh Hóa có nhiều khu công nghiệp, lại có Khu Kinh tế Nghi Sơn đang phát triển năng động nên nhu cầu trung chuyển hàng hóa qua cảng biển là rất lớn. Được quy hoạch phát triển cụ thể, cảng biển của tỉnh chắc chắn phát triển mạnh trong tương lai.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)