Năm 2021, Bình Phước phấn đấu bê tông xi măng 618km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các công trình bị gián đoạn thời gian khá dài. Ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, một số địa phương còn bứt phá mở rộng đường giao thông nông thôn từ 3 lên 5m. Đây là điểm nhấn nổi bật và được ví như cuộc “cách mạng mở rộng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Bình Phước.
Cơ hội lớn cho người dân
Trong 618km đường giao thông toàn tỉnh thì huyện Hớn Quản đăng ký làm 117km, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là các xã phấn đấu về đích NTM tiêu chuẩn và NTM nâng cao.
Năm 2021, xã An Phú, huyện Hớn Quản xây dựng gần 20km
đường bê tông xi măng, trong đó phần lớn mở rộng từ 4-5m
Trước đây, bình quân mỗi năm xã An Phú, huyện Hớn Quản chỉ đầu tư làm khoảng 2km đường nông thôn bê tông xi măng nhưng năm 2021 phấn đấu về đích NTM nên được Nhà nước đầu tư làm nhiều hơn. Nắm lấy cơ hội này, ngay từ đầu năm, nhân dân đã đăng ký làm 18,5km. Dù dịch bệnh phức tạp nhưng kết quả đã có gần 20km đường bê tông, nhựa hóa được hoàn thành, vượt chỉ tiêu so với dự kiến ban đầu. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã.
Chủ tịch UBND xã An Phú Mai Hoàng Phúc cho biết, địa bàn xã rộng, đường giao thông nhiều nhưng trước đây ít được đầu tư nên số kilômét đường bê tông, đường nhựa rất khiêm tốn. Có tuyến hình thành hàng chục năm nhưng vẫn còn là đường đất chật hẹp, sình lầy vào mùa mưa, bụi vào mùa khô khiến việc lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi có chủ trương làm đường giao thông bà con mừng lắm, đồng loạt đăng ký, thậm chí có những tuyến ít hộ sinh sống, nguồn kinh phí đối ứng nhiều nhưng vẫn tìm cách để đóng góp làm.
Ông Mai Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Hớn Quản cho biết: Vừa rồi chúng tôi đã thí điểm vận động nhân dân làm hơn 2km đường bê tông xi măng rộng 5m. Sau khi hoàn thành, xã mời đại diện ấp lên họp rồi phân tích, so sánh cụ thể đường 5m, 4m, 3m như thế nào... Qua đó, phần lớn người dân đang có nguyện vọng nâng lên 5m chứ không muốn làm đường 3m, 4m nữa vì hiệu quả nó rất lớn, chỉ có nguồn vốn hơi khó khăn.
Trong gần 20km đường giao thông nông thôn được người dân xã An Phú đăng ký làm trong năm 2021 thì ấp Bình Phú có tới hơn 8km. Rút kinh nghiệm từ một vài tuyến đường trước đây mặt đường bê tông chỉ rộng 3m khiến việc lưu thông chưa được thuận tiện, khi làm mới lần này, ấp vận động nhân dân hiến đất, kinh phí để mở rộng từ 3 lên 5m. Đây là bước đột phá, tạo điểm nhấn trong xây dựng NTM tại ấp Bình Phú nói riêng và xã An Phú nói chung.
Ông Bùi Văn Lâm, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bình Phú cho biết, khi vận động mở rộng mặt đường, thuận lợi là phần lớn các tuyến đường ở ấp đã được quy hoạch, dân sống thưa, ít bị ảnh hưởng bởi các công trình, vật kiến trúc nên công tác giải phóng mặt bằng không bị ách tắc. Khó khăn chủ yếu ở việc đóng góp đối ứng. Ấp tổ chức họp dân và thống nhất chủ trương không cào bằng mà miễn phí đối với hộ nghèo, khó khăn, hộ xâm canh; đồng thời vận động doanh nghiệp, hộ có nhiều đất đóng góp thêm. Với cách làm đó đã nhận được sự đồng thuận của người dân với mức đóng đối ứng bình quân mỗi hộ 10-15 triệu đồng, lớn nhất khoảng 100 triệu đồng.
Ngoài bê tông hơn 8km các tuyến đường nội bộ thì năm nay tuyến đường huyết mạch liên ấp, từ ấp Bình Phú đi ấp Sóc Rul được huyện Hớn Quản đầu tư giải phóng mặt bằng rộng 12m, dài 2,2km, trong đó thảm nhựa rộng 5m. Việc xây dựng tuyến đường này đáp ứng mong mỏi của nhân dân hơn 30 năm qua. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường dài, rộng nhất xã An Phú.
Khởi sắc khu vực nông thôn
Tương tự tại huyện biên giới Lộc Ninh, trước đây các tuyến đường giao thông nông thôn bê tông xi măng chỉ rộng 3-3,5m nên việc đi lại của người dân không được thuận lợi. Khắc phục tình trạng này, từ đầu năm 2021, UBND huyện yêu cầu các xã khi làm tuyến đường mới phải vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng rộng tối thiểu 4m. Là chủ trương đúng đắn nên nhận được sự hưởng ứng tích cực của cấp ủy, chính quyền các xã và người dân. Qua 1 năm triển khai, đến nay toàn huyện làm được 75km đường bê tông xi măng rộng từ 4-5m. Đây là nét nổi bật, cuộc “cách mạng mở rộng đường quê” ở Lộc Ninh và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. “Dù không trực tiếp hưởng lợi từ tuyến đường nhưng khi ban ấp đến vận động tôi sẵn sàng hiến 1,4m đất mặt tiền để mở rộng đường. Vì đường có rộng rãi, khang trang thì người dân mới đi lại thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển” - bà Hoàng Thị Liền, ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang chia sẻ.
Là quyết sách đúng đắn nên ngay cả các khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, việc mở rộng đường giao thông nông thôn cũng được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Tiêu biểu là ấp Chàng Hai - nơi có 70% người dân tộc Khmer sinh sống. Ấp có gần 5km đường nông thôn đã bê tông xi măng 3km, rộng 3m trong các năm 2019, 2020. Thực hiện chủ trương của huyện, năm 2021, ấp vận động nhân dân hiến đất hai bên đường, giải phóng mặt bằng rộng 4m để làm đường. “Tuyến đường được bê tông rộng 4m nên người dân vui mừng, phấn khởi lắm. Đặc biệt, khi tuyến đường hình thành đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, động lực để bà con vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” - ông Lâm Cam, Trưởng ấp Chàng Hai tin tưởng.
Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện Lộc Ninh Bùi Phước Cường tự hào: "Việc mở rộng đường giao thông nông thôn từ 4m trở lên được người dân cũng như chính quyền địa phương rất đồng tình ủng hộ. Khi có chủ trương, người dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc cùng với chính quyền xây dựng con đường rộng rãi, khang trang hơn. Đây cũng là điểm mới, nét nổi bật của huyện Lộc Ninh trong việc triển khai làm đường giao thông trong xây dựng NTM năm 2021 và những năm tiếp theo".
Được đầu tư cán đích NTM, đồng thời thực hiện chủ trương mở rộng đường giao thông nên năm nay xã Lộc Quang làm được 15,6km đường bê tông xi măng rộng gần gấp đôi so với trước. Các tuyến đường mới được mở rộng, khang trang, sạch đẹp thì người dân càng thêm trân quý, tiếp tục đóng góp sức người, sức của trồng hoa, lắp đèn đường và gắn camera an ninh xây dựng tuyến đường kiểu mẫu sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn. Ông Vũ Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Quang bày tỏ: Chủ trương mở rộng đường rất hợp với lòng dân, nên sau khi triển khai người dân đều đồng loạt hiến đất, cây trồng và ngày công cùng với Nhà nước thi công. Đây là điều đáng mừng, tạo sự đổi thay, khởi sắc khu vực nông thôn.
Năm 2021 với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng ngay ở thời điểm khó khăn nhất, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, tạo đột phá trong việc mở rộng đường giao thông nông thôn. Thành quả đạt được, chắc chắn sẽ là nền tảng, động lực để thực hiện thành công hơn nữa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong năm 2022.