Các ngành chức năng đang tập trung triển khai các công việc thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 (RM2) sau sự kiện khởi công cây cầu mơ ước vào ngày 29/3/2022. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cầu RM2 đang tạo ra một triển vọng mới trong đời sống người dân và cộng đồng doanh nghiệp, với niềm tin tỉnh nhà sẽ bứt phá vươn lên.
Điểm cuối của dự án cầu Rạch Miễu 2 thông ra Quốc lộ 60, đoạn xã Bình Phú (TP. Bến Tre)
“Điểm nghẽn” về giao thông
Hơn ai hết, những người làm du lịch, kinh doanh dịch vụ đã thấu hiểu nỗi khó khăn khi kinh tế muốn vươn lên mà giao thông lại là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. “Từ TP. Hồ Chí Minh đi Bến Tre có 86km mà mất 3 - 4 tiếng đồng hồ, bằng thời gian đi Phan Thiết 200km do cầu RM bị kẹt xe, ùn tắc vào ngày cuối tuần, lễ, Tết. Du khách xuống Bến Tre chơi, đặt ăn ở Du lịch Phú An Khang lúc 11 giờ trưa, thì kẹt ở cầu RM nên 2 giờ chiều mới tới với cái bụng đói. Có khi khách của chúng tôi phải tranh thủ ăn để qua kịp cầu RM trước lúc 2 giờ chiều vì sợ kẹt xe trên cầu”, ông Nguyễn Duy Thuấn - chủ du lịch Phú An Khang, xã Bình Phú, TP. Bến Tre chia sẻ.
Hệ lụy của kẹt xe ở cầu RM nói riêng và kẹt xe đường về miền Tây làm mất lượng khách du lịch rất lớn. Ông Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T nói về “3 cái mất” lớn của du lịch và thương mại, dịch vụ khi gặp cảnh kẹt cầu”: “Bến Tre đón chủ yếu khách đến từ TP. Hồ Chí Minh (khách Hà Nội thì thường chọn TP. Cần Thơ làm điểm đến) vì vị trí địa lý gần nhau. Nhưng kẹt xe ở cầu RM làm khách mất cảm xúc vui tươi, phấn khởi khi đi du lịch. Kế đến là mất cảm giác an toàn, kẹt xe thì phải ngồi yên trên xe, có khi ở giữa cầu thì làm sao thấy an toàn. Cuối cùng, gay go nhất là họ mất cơ hội thưởng thức tour tuyến đã được thiết kế, với một thời gian mà “mẹ thiên nhiên” đã ấn định để ngắm cảnh sông nước tại xứ Dừa”.
Phân tích sâu hơn về nỗi khổ của người làm du lịch, ông Võ Văn Phong cho rằng, sản phẩm du lịch đặc trưng của Bến Tre là khách ngắm cảnh sông nước, ghe thuyền phải đi theo thủy triều. Chỉ cần hành trình chậm từ 30 phút đến 1 tiếng, khách không thể hái bần trên sông mà phải lội bùn hái. Muốn ngắm cảnh bắt tôm cá trên sông thì phải đợi nước ròng, ghe đánh bắt chỉ hoạt động trong 1 - 2 giờ thì lên bờ đem bán. Nếu khách kẹt xe mà đi trễ, nước đã lớn thì trên sông mênh mông nước, không có ai đi đánh bắt tôm cá.
Chiếc cầu tạo đà cất cánh
Bến Tre có lợi thế gần TP. Hồ Chí Minh chỉ với 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đi xe. Với hơn 9 triệu dân, TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiềm năng để người dân Bến Tre bán hàng đặc sản. “1kg tôm càng xanh thiên nhiên tươi sống đến tay người tiêu dùng khu Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh) giá 1 triệu đồng. Kẹt xe, tôm chết, giá chỉ còn 170 ngàn đồng/kg. Người dân TP. Hồ Chí Minh muốn ăn cua biển thì đặt mua cua Bến Tre hay mua cua Cà Mau sẽ nhanh có hơn? Hàng loạt đặc sản của Bến Tre sẽ không thể đến tay người tiêu dùng vì cầu RM cứ kẹt xe, ùn tắc”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T Võ Văn Phong chia sẻ kinh nghiệm bán hàng đặc sản Bến Tre.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”. Nền kinh tế không thể phát triển nhanh nếu giao thông vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” như cầu RM hiện hữu. Việc xây dựng cầu RM2 đang thổi vào một làn gió mát, tạo đà thúc đẩy Bến Tre vươn lên.
Chủ du lịch Phú An Khang (TP. Bến Tre) Nguyễn Duy Thuấn bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng, khi tỉnh có được cây cầu RM2 thì tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh có thể tăng gấp 10 lần so với trước đây. Tôi tin 1 năm có cầu RM2 sẽ bằng 10 năm qua. Nên vừa qua, gia đình tôi có 9 ngàn mét vuông đất đang kinh doanh du lịch phải nhường cho công trình xây cầu RM2. Gia đình tôi vẫn rất đồng tình ủng hộ, dù sắp tới công việc làm ăn của gia đình chắc chắn sẽ khó khăn”.
Tại lễ khởi công cầu RM2 mới đây ở Bến Tre, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhìn nhận: “... Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước. Qua tổng kết, đánh giá, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng vẫn xác định hạ tầng giao thông vận tải là “điểm nghẽn” của nền kinh tế và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quốc lộ 60”.
Tháo gỡ những khó khăn về tốc độ phát triển, tăng sức cạnh tranh trong các dịch vụ chỉ có thể được thực hiện khi tỉnh giải quyết được ách tắc giao thông nơi cửa ngõ ra vào tỉnh bằng việc xây dựng cầu RM2.