Năm 2024 có vai trò quyết định, tạo động lực để Long An tăng tốc phấn đấu về đích sớm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, tiến đến hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025.
Công nhân đang kết cấu thép trụ nhồi để thi công đường Vành đai 3
Thành phố Hồ Chí Minh khu vực trên không
Long An đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương liền kề và khu vực cửa khẩu tiếp giáp Campuchia nhằm tạo đà tăng tốc, bứt phá. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3; trục song hành với đường vành đai 4, đoạn từ nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đến Đường tỉnh 830E; trục động lực Đức Hòa kết nối các Đường tỉnh 822, 823, 823B, 825 với Thành phố Hồ Chí Minh…
Đồng thời, Long An triển khai các thủ tục tiền khả thi dự án đường vành đai 4, đoạn qua địa phận tỉnh có chiều dài 74,5km; đường tỉnh Lương Hòa nối Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh); Quốc lộ 50B kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn tất thủ tục nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 thành đường cấp III đồng bằng, đi từ thành phố Tân An đến Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, Long An), với chiều dài 76km.
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Riêng đoạn qua địa bàn Long An có chiều dài 6,84km, tổng vốn giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường là hơn 4.208 tỷ đồng. Sau 10 tháng khởi công xây dựng, các nhà thầu thực hiện được hơn 30% khối lượng công việc, đạt tiến độ theo kế hoạch, phấn đấu thông xe phần cao tốc trong tháng 10/2025 và toàn bộ dự án trong năm 2026 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhiều trụ đỡ để lắp đặt dầm làm đường trên không
đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Long An đã hoàn thành.
Dự án Đường tỉnh 830E (trục song hành với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh) có chiều dài 9,351km, tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng và xây dựng hơn 3.700 tỷ đồng cũng đang được tích cực triển khai. Đến đầu tháng 6/2024, địa phương đã giải phóng mặt bằng đạt 86,3%, phần còn lại người dân đang chờ chính sách hỗ trợ và bố trí tái định cư. Đối với trục động lực Đức Hòa kết nối các Đường tỉnh 822, 823, 823B và 825 với Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An, nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Ngoài những công trình giao thông trọng điểm của Long An đang được đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải tiến hành các thủ tục để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 thành đường cấp III đồng bằng, tổng chiều dài 76km, sẽ khởi công vào năm 2025. Việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 là niềm mong mỏi của chính quyền và nhân dân các tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong việc tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế mậu biên khu vực Đồng Tháp Mười.
Đây cũng là trục giao thông kết nối hiệu quả giữa cửa khẩu Bình Hiệp (Long An) với cửa khẩu Prey Voa (Campuchia). Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án xây dựng mới trục động lực Quốc lộ 50B kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.797 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn cho biết, tất cả các công trình giao thông đang triển khai trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tháo nút thắt giao thông khu vực cửa ngõ của tỉnh Long An giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh. Khi nút thắt này được giải quyết, sẽ tạo điều kiện để Long An và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, tiến tới hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững.
Để các công trình trọng điểm thực hiện đúng tiến độ, lãnh đạo tỉnh Long An liên tục đi kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, thi công và việc bố trí tái định cư cho những hộ dân giao đất thi công công trình. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương có công trình đi qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhanh chóng bàn giao cho đơn vị thi công; khẩn trương bố trí tái định cư cho những hộ dân đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo tỉnh Long An kiểm tra tiến độ thi công trục động lực Đức Hòa
kết nối các đường tỉnh 822, 823, 823B và 825 với Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là việc phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công và địa phương đang triển khai dự án. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Ban quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, giám sát và khi gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay cho lãnh đạo tỉnh xem xét, giải quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đã yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các địa phương có công trình đi qua sớm thực hiện tốt công tác vận động giải phóng mặt bằng; tập trung đối thoại với những hộ dân thuộc diện phải cưỡng chế. Sở Tài nguyên và Môi trường Long An chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân thông qua.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục về đất đai, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn để triển khai dự án, đồng thời khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng cốt lõi là hình thành “3 vùng-1 trung tâm-2 hành lang và 6 trục”.
Long An sẵn sàng một tâm thế mới, quyết tâm mới để tăng tốc về đích sớm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đại công trường sẽ là “chìa khóa vàng” để Long An tăng tốc hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả và phát triển bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam vào năm 2025.
Theo Báo Nhân Dân