Bộ GTVT ủng hộ Vietjet Air đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai

Thứ tư, 28/09/2016 15:51 GMT+7

Chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp nghe Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) báo báo đề xuất kế hoạch đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai. Cùng dự có lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, một số Vụ tham mưu của Bộ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp
 
Theo báo cáo của Vietjet Air, Cảng hàng không Chu Lai là một cảng hàng không có nhiều tiềm năng lợi thế, với quỹ đất dự trữ phát triển còn rất lớn, nằm ở trung tâm khu vực miền Trung, giữa 2 khu kinh tế lớn nhất cả nước, với nhiều công trình dự án lớn đang được nghiên cứu triền khai. Đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia và vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Do đó Vietjet Air có mục tiêu hợp tác và phát triển Cảng hàng không Chu Lai thành một sân bay trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế cũng như đưa Chu Lai thành cơ sở sửa chữa - bảo dưỡng - đại tu (MRO) tàu bay của Việt Nam và khu vực, một trung tâm Logistic của vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Tuy nhiên, hiện tại hệ thống hạ tầng sân bay còn khá khiêm tốn với 1 đường cất hạ cánh cấp 4C, dài 3.050m  cùng hệ thống đường lăn song song chính E1 dài 3.050m và các đường lăn nối tiếp E2 - E6. Nhà ga hành khách và
Nhà ga hàng hóa đang được khai thác chung với tổng diện tích sàn sử dụng là 3.360m2. 
 
Theo đề xuất của Vietjet Air, việc đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai sẽ được chia là 3 giai đoạn. trong đó giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ cải tạo và mở rộng đường cất hạ cánh hiện hữu với quy mô 3.250m x 65m (mở rộng thêm 20m), đồng thời xây dựng mới 01 Nhà ga hành khách có công suất thiết kế khoảng 2,0 triệu hành khách/năm; xây dựng 02 đơn nguyên Hangar của Cơ sở Bảo dưỡng, Sửa chữa và Đại tu tàu bay (MRO) năng lực phục vụ cùng lúc 08 tàu bay Code C hoặc 02 tàu bay Code E cho mỗi đơn nguyên; xây dựng 01 Nhà ga hàng hóa và khu phục vụ hàng hóa có khả năng đáp ứng nhu cầu của 02 công ty vận tải hàng hóa lớn.
Giai đoạn 2 (đến năm 2025), Dự án sẽ mở rộng, nâng công suất Nhà ga hành khách lên thành 4,0 triệu hành khách/năm; mở rộng Nhà ga hàng hóa và Khu hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của 04 công ty vận tải hàng hóa lớn; phát triển khu Logistic Park (vị trí dự kiến thuộc quy hoạch Khu phi thuế quan của KKT mở Chu Lai và các khu vực lân cận phù hợp.
Giai đoạn 3 (sau năm 2025), dự án tiếp tục đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh cánh thứ hai với quy mô 3.250m x 65m (phía Đông); mở rộng Cơ sở Bảo dưỡng, Sửa chữa và Đại tu (MRO) tùy theo nhu cầu thực tế; xây dựng mới 01 Nhà ga hành khách thứ hai có công suất 4,0 triệu hành khách/năm; xây dựng mới 01 Tổ hợp hàng hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lâu dài của Cảng hàng không Chu Lai và các vùng lân cận; xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghiệp hàng không. Tổng vốn đầu tư toàn bộ Dự án dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
 
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và lãnh đạo một số Vụ tham mưu đều tỏ ý hoan nghênh đề xuất của Vietjet Air đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai. Các ý kiến đều cho rằng đề xuất này nếu được triển khai đều không có vướng mắc gì về các các quy định của pháp luật và phù hợp với Quy hoạch phát triển cảng hàng không đã được phê duyệt. Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cũng hết sức đồng tình và ủng hộ đề xuất của Vietjet Air và cho biết từ nay đến cuối 2017 tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một số dự án giao thông kết nối với Cảng hàng không Chu Lai.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật một lần nữa khẳng định chủ trương ủng hộ  Vietjet Air đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế theo đúng Quy hoạch phát triển hàng không đã được phê duyệt. Thứ trưởng yêu cầu Vietjet Air tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra một mô hình đầu tư thích hợp nhất khả thi nhất, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước khi báo cáo Bộ vào tháng 11/2016.     
 
DT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)