Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Việt Nam mong muốn được đón nhận nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân

Thứ năm, 27/10/2016 08:32 GMT+7

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mê Công (WEF - Mê Công) diễn ra tại Hà Nội, chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có bài phát biểu tại phiên họp “Huy động vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam”. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn được đón nhận nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng

Tại bàn tròn phiên họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, với quan điểm “kết cấu hạ tầng đi trước một bước”, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Công GMS trên địa phận Việt Nam cũng đã cơ bản được đầu tư phù hợp với khung khổ chiến lược của Chương trình hợp tác kinh tế GMS giai đoạn 2012-2022 như: đầu tư nâng cấp Quốc lộ 22, Quốc lộ 51 để kết nối Thái Lan - Campuchia - Việt Nam ra khu cảng biển nước sâu Thị Vải thuộc hành lang thương mại số 2; nâng cấp Quốc lộ 9 từ của khẩu Lao Bảo - Đông Hà thuộc hành lang thương mại số 5; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng thuộc hành lang thương mại số 7; hoàn thành hành lang ven biển phía Nam thuộc tuyến thương mại số 8... Nhờ đó, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dự Diễn đàn

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi về năng lực và chất lượng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cấu trúc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam còn bất cập, tỷ lệ các công trình hiện đại, năng lực lớn, chất lượng cao như đường bộ cao tốc, cảng biển nước sâu... còn thấp; một số tuyến quốc lộ quan trọng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp; mạng lưới đường sắt khổ hẹp, lạc hậu, đã xuống cấp; mạng lưới đường thủy hầu hết đang khai thác tự nhiên; thiếu đồng bộ giữa năng lực cảng với hệ thống giao thông kết nối; các cảng hàng không trọng điểm đã và đang đối mặt với nguy cơ quá tải... Một số mục tiêu trong chiến lược phát triển giao thông kết nối Tiểu vùng sông Mê Công 2015-2022 còn chưa hoàn thành như kết nối đường sắt.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh, các quốc gia nói chung đặc biệt là các quốc gia đang phát triển luôn đối mặt với các thách thức giữa nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn lực của quốc gia, trong đó luôn thiếu hụt nguồn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng.

Đối với Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 950.000 tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD), trong khi nguồn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 26%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định để thực hiện thành công đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, một trong những giải pháp ưu tiên là kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân.  Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP và đã đạt được một số kết quả.

Trong lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 8,9 tỷ USD để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Tuy nhiên, các dự án đầu tư theo hình thức PPP thời gian vừa qua mới chỉ kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước tham gia, nguồn vốn tín dụng cũng do các ngân hàng trong nước cung cấp.

Lĩnh vực cảng biển và cảng đường thủy đã thu hút vốn đầu tư tư nhân khá sớm và tương đối thành công, đạt khoảng 8,41 tỷ USD theo thời giá năm 2014, đặc biệt là giai đoạn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển hiện đại.

“Để hoàn thành mục tiêu tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ Việt Nam đã xác định tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện là: Hoàn thiện hành lang pháp lý kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định, minh bạch; Xây dựng chính sách chia sẻ rủi ro tối ưu để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng; Tăng cường năng lực của các chủ thể phía cơ quan quản lý nhà nước;  Dành một nguồn lực nhất định để thực hiện các cam kết của Nhà nước đối với nhà đầu tư”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Về phía Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực thực hiện thành công các thỏa thuận khung hợp tác GMS mà đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải. Việt Nam mong muốn được đón nhận nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân của các nước nói chung và đặc biệt là từ các quốc gia thành viên trong tiểu vùng sông Mê Công để cùng nhau hình thành hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả.

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam

Ngày 26/10, chủ trì Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mê Công lần thứ 7 (ACMECS 7) và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng “chính phủ kiến tạo” để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Việt Nam sẽ nỗ lực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị

Hội nghị cấp cao CLMV 8 có chủ đề “Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai”. Tại đây, các nhà lãnh đạo nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường gắn kết nền kinh tế và thị trường của bốn nước, hướng tới một khu vực kết nối thông suốt. Một số điểm nổi bật gồm: Về kết nối giao thông, đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Bắc – Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC); xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Viêng Chăn và Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người giữa hai Thủ đô; triển khai nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Myanmar – Lào – Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng các nước cần phát triển kết nối hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển hạ tầng đường bộ, nhất là hạ tầng tại các địa phương nghèo vùng biên giới.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh kết nối giữa ACMECS với các tuyến giao thông xuyên quốc gia khác thông qua phát triển vận tải đa phương thức, nỗ lực phát triển các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế, gắn với hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, dịch vụ…

Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT xin được trân trọng đăng toàn văn Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại Hội nghị lớn này.

PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT TRƯƠNG QUANG NGHĨA TẠI PHIÊN HỌP
“Huy động vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam”

Thưa các quý vị khách quý,
Thưa quý bà, quý ông,

Với quan điểm “kết cấu hạ tầng đi trước một bước”, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Công GMS trên địa phận Việt Nam cũng đã cơ bản được đầu tư phù hợp với khung khổ chiến lược của Chương trình hợp tác kinh tế GMS giai đoạn 2012-2022 như: đầu tư nâng cấp Quốc lộ 22, Quốc lộ 51 để kết nối Thái Lan - Campuchia - Việt Nam ra khu cảng biển nước sâu Thị Vải thuộc hành lang thương mại số 2; nâng cấp Quốc lộ 9 từ của khẩu Lao Bảo - Đông Hà thuộc hành lang thương mại số 5; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng thuộc hành lang thương mại số 7; hoàn thành hành lang ven biển phía Nam thuộc tuyến thương mại số 8... Nhờ đó, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

Tuy vậy, chúng tôi cũng thấy rằng, mặc dù đã được ưu tiên đầu tư và đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi về năng lực và chất lượng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cấu trúc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam còn bất cập, tỷ lệ các công trình hiện đại, năng lực lớn, chất lượng cao như đường bộ cao tốc, cảng biển nước sâu... còn thấp; một số tuyến quốc lộ quan trọng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp; mạng lưới đường sắt khổ hẹp, lạc hậu, đã xuống cấp; mạng lưới đường thủy hầu hết đang khai thác tự nhiên; thiếu đồng bộ giữa năng lực cảng với hệ thống giao thông kết nối; các cảng hàng không trọng điểm đã và đang đối mặt với nguy cơ quá tải... Một số mục tiêu trong chiến lược phát triển giao thông kết nối Tiểu vùng sông Mê Công 2015-2022 còn chưa hoàn thành như kết nối đường sắt.

Thưa quý vị đại biểu

Các quốc gia nói chung đặc biệt là các quốc gia đang phát triển luôn đối mặt với các thách thức giữa nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn lực của quốc gia, trong đó luôn thiếu hụt nguồn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng. Đối với Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 950.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 45 tỷ USD), trong khi nguồn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 26%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định để thực hiện thành công đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, một trong những giải pháp ưu tiên là kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. 

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP và đã đạt được một số kết quả.

Trong lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 8,9 tỷ USD để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Tuy nhiên, các dự án đầu tư theo hình thức PPP thời gian vừa qua mới chỉ kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước tham gia, nguồn vốn tín dụng cũng do các ngân hàng trong nước cung cấp.

Lĩnh vực cảng biển và cảng đường thủy đã thu hút vốn đầu tư tư nhân khá sớm và tương đối thành công, đạt khoảng 8,41 tỷ USD theo thời giá năm 2014, đặc biệt là giai đoạn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển hiện đại.

Để hoàn thành mục tiêu tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ Việt Nam đã xác định tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện là: (1) Hoàn thiện hành lang pháp lý kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định, minh bạch; (2) Xây dựng chính sách chia sẻ rủi ro tối ưu để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng; (3) Tăng cường năng lực của các chủ thể phía cơ quan quản lý nhà nước; (4) Dành một nguồn lực nhất định để thực hiện các cam kết của Nhà nước đối với nhà đầu tư.

Thưa quý vị đại biểu

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành, chúng tôi xác định sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực nói chung, của các quốc gia là thành viên GMS nói riêng là cơ sở, động lực cho sự thịnh vượng của Việt Nam và ngược lại.

Với quan điểm đó, chúng tôi mong muốn, trong khuôn khổ hội nghị, các quý vị sẽ có những thảo luận sâu hơn để: (1) Tìm ra các giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, những bài học cho các quốc gia thành viên GMS; (2) Hướng tới xây dựng một kế hoạch hành động nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt; (3) Tìm ra giải pháp tháo gỡ các rào cản về thể chế đối với vận tải liên quốc gia và thương mại vì đây là trở lực cho việc khai thác hiệu quả các hành lang vận tải kết nối các quốc gia trong vùng.

Về phía Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực thực hiện thành công các thỏa thuận khung hợp tác GMS mà đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải. Việt Nam mong muốn được đón nhận nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân của các nước nói chung và đặc biệt là từ các quốc gia thành viên trong tiểu vùng sông Mê Công để cùng nhau hình thành hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

H.Lâm

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)