Hội thảo quốc gia “Văn hóa giao thông – Trách nhiệm thuộc về ai?”

Thứ tư, 28/12/2016 14:21 GMT+7

Sáng 28/12/2016, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo quốc gia “Văn hóa giao thông – Trách nhiệm thuộc về ai?”.Thứ trưởng Lê Đình Thọ và Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân Phan Huy Hiền đồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi

Phát biểu khai mạc Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân Phan Huy Hiền cho biết, văn hóa giao thông chính là nền tảng để tạo nên một môi trường giao thông an toàn, thân thiện và nhân ái. Xây dựng văn hóa giao thông đã trở thành một định hướng, mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

“Việc nâng cao văn hóa giao thông không chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi nhận thức và tự giác của người tham gia giao thông mà còn phải đồng bộ với các quy định pháp luật, môi trường giao thông, môi trường giáo dục và trách nhiệm của những người thực thi công vụ để tạo ra môi trường giáo dục và trách nhiệm của những người thực thi công vụ để tạo ra môi trường giao thông thật sự văn minh, an toàn bền vững cho người dân”, đồng chí Phan Huy Hiền khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được xem 2 clip với chủ đề về Tình hình trật tự an toàn giao thông 11 tháng năm 2016 và Văn hóa giao thông – Trách nhiệm thuộc về ai? và nghe tham luận của các đại biểu về các vấn đề: Nền tảng của văn hóa giao thông ở Việt Nam, Truyền thông về văn hóa giao thông cần hướng đến nhưng khái niệm vụ thể và cá nhân hóa đối tượng truyền thông, Thực trạng và giải pháp giáo dục ATGT trong nhà trường phổ thông…

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với những vấn đề được các đại biểu đề cập tới như: hệ thống biển báo, biển hiệu lệnh giao thông còn nhiều bất cập; cần xiết chặt hơn nữa việc thực hiện kỷ cương. Tiến sỹ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL nhận định, thể chế, quy định của chúng ta dù chưa thực sự hoàn hảo nhưng cũng khá đầy đủ, tuy nhiên do trật tự kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm thì cho rằng, cần xây dựng một thể chế, quy định đồng bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng  phù hợp với phát triển của xã hội, đặc biệt cần nâng cao năng lực quản lý, và giáo dục trong đó có phần quan trọng của truyền thông… Hay nói cách khác trả lời cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai là của cả hệ thống chính trị và phải giải quyết một cách đồng bộ các yếu tố, đa ngành…

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo. Theo thứ trưởng, chúng ta đang phát triển nên không thể tránh khỏi những những thiếu sót, tuy nhiên chúng ta với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ đã từng bước giảm thiểu được tai nạn giao thông. Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chinh trị, TNGT bước đầu được kiềm chế và liên tục giảm sau các năm.

“Năm 2011, cả nước có 13 nghìn người chết do TNGT, năm 2012 giảm còn dưới 12 nghìn người, con số này trong năm 2016 khoảng 8.600 người. Mục tiêu năm 2017, chúng ta sẽ kéo giảm số người chết vì TNGT xuống dưới 8.000 người. Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Liên quan đến văn hóa giao thông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: “Đây là trách nhiệm chung của mọi cấp, mọi ngành và mọi tầng lớp xã hội”. Tuy nhiên với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ghi nhận để cập nhật, rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đồng thời, trong vấn đề chiến lược quy hoạch của ngành GTVT cũng phải tính toán và cập nhật lại cho phù hợp.

Đối với việc huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay: Nguồn lực đầu tư đến năm 2020 đối với ngành GTVT là rất khó khăn, Bộ GTVT đang phải tính toán lại để xây dựng kế hoạch cho phù hợp với sự phát triển và phù hợp với nguồn lực. Ngành GTVT sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là hình thức xã hội hóa. Thứ trưởng Thọ dẫn chứng: Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành cơ chế, chính sách xây dựng các bến xe xã hội hóa. Kết quả, sau khi có cơ chế, chính sách, chỉ trong vòng hai năm qua, các tỉnh, thành đã xây dựng được 17 bến xe.

Chia sẻ ý kiến của các đại biểu về những bất cập liên quan đến hệ thống cọc tiêu, biển báo giao thông, Thứ trưởng Thọ khẳng định, đây không phải vấn đề mới. Thực tế trong hai năm qua, Bộ GTVT đã tiến hành thay thế gần 2.000 biển báo hiệu, đồng thời, rà soát, cập nhật lại các biển chỉ dẫn, biển báo không rõ ràng hoặc không đúng vị trí, đã xử lý trên 400 điểm đen tai nạn giao thông...”.

H.N

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)