Dù rất khó vẫn phải giữ và phát triển ngành đóng tàu

Thứ ba, 21/02/2017 13:41 GMT+7

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) và các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT về việc đánh giá kết quả sau 03 năm thực hiện tái cơ cấu SBIC theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng tham dự buổi làm việc.

Bộ trưởng Trương quang Nghĩa khẳng định dù khó khăn vẫn phải giữ ngành đóng tàu

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ như Vụ Quản lý doanh nghiệp; Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức... và đặc biệt là lãnh đạo SBIC rà soát lại rõ ràng từng hạng mục theo Đề án tái cơ cấu đơn vị đã được phê duyệt. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu tập trung vào đánh giá đúng thực chất 8 đơn vị thành viên được giữ lại sau tái cơ cấu hoạt động ra sao? Cân đối lỗ lãi thế nào? Số lượng 8 đơn vị giữ lại đó đã phù hợp với thực tế hay không, giảm số lượng  xuống còn 4 hay 5 đơn vị có hiệu quả hơn hay không?

"3 năm qua, không chỉ có sự nỗ lực, cố gắng của SBIC, Bộ GTVT mà còn có cả sự quan tâm sát sao của các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ nên chúng ta đã đạt được một số thành quả nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào thực tế thì kết quả chưa được như kỳ vọng. Do đó, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí phải giải thể, phá sản thêm các doanh nghiệp cho tập trung, gọn nhẹ bộ máy và tận dụng cơ sở hạ tầng, thiết bị cũng phải làm", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

"Khó khăn vẫn đang ở phía trước, tuy nhiên, dù vận dụng cách nào để tái cơ cấu SBIC thì mục tiêu cuối cùng là phải giữ được ngành đóng tàu phát triển bền vững, là xương sống cho ngành kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Các đơn vị thành viên SBIC được giữ lại sau tái cơ cấu hoạt động tương đối ổn định

Trên tinh thần đó, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Lâm và lãnh đạo SBIC đã đề xuất, đưa ý kiến và trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu TCT Công nghiệp tàu thuỷ theo các quyết định chỉ đạo của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Q.TGĐ SBIC Cao Thành Đồng cũng cho biết, sau 03 năm thực hiện tái cơ cấu đã thu được những kết quả ban đầu.

"Hiện tại, toàn TCT có 13.967 lao động. Tại Công ty mẹ và 8 đơn vị thành viên là 5.914 người, về cơ bản lao động và nhân sự tương đối ổn định; 100% có việc làm; không nợ lương; thu nhập bình quân từng bước ổn định, năm 2016 đạt trung bình hơn 7 triệu đồng/người/tháng", ông Cao Thành Đồng cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo SBIC cũng cho biết, sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ đã thay đổi cơ bản tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Cụ thể, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thu gọn quy mô hoạt động, mô hình tổ chức của doanh nghiệp; cải thiện rõ rệt từng bước tình hình tài chính của doanh nghiệp, từng bước xoá lỗ, giảm chi phí tài chính, kéo dài thời gian trả nợ phù hợp với tình hình tài chính, SXKD của doanh nghiệp.

"Việc tái cơ cấu nợ không gây hiệu ứng xấu, không gây đổ vỡ cho các tổ chức tín dụng; chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu còn giải quyết được chế độ lao động với số lượng rất lớn đảm bảo công khai minh bạch, không gây xáo trộn lớn, cơ bản không gây khiếu kiện, đảm bảo an sinh xã hội; năng lực sản xuất được duy trì tốt, các đon vị sau tái cơ cấu cơ bản phát triển tốt, từng bước củng cố thương hiệu, uy tín, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ", Q.TGĐ Tổng Công ty CNTT Cao Thành Đồng chia sẻ.

H.Lâm

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)