Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương

Thứ sáu, 24/02/2017 11:36 GMT+7

Sáng nay (24/2/2017), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT gồm Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về công tác xây dựng và phát triển giao thông vận tải tại địa phương
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của Hải Dương cùng tham dự buổi làm việc.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và Đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra hạ tầng giao thông Quốc lộ 5 cũ, tại các điểm "nóng" còn nhiều vướng mắc tồn tại.


Bộ trưởng cùng Đoàn công tác kiểm tra các dự án giao thông tại Hải Dương sáng nay (24/2)

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết, về công tác phát triển hạ tầng giao thông, Hải Dương tiếp tục triển khai các dự án do Bộ GTVT giao đầu tư như QL37 đoạn Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng đi Gia Lộc và triển khai các dự án do tỉnh đầu tư như cầu Hàn; nút giao lập thể giữa QL5, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng với đường tỉnh 390, đường 62m kéo dài.

Bên cạnh đó, năm 2016, toàn tỉnh cũng xây dựng được hơn 763 km đường bê tông xi măng, kinh phí hơn 1000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 159 tấn xi măng, tương đương 203 tỷ đồng...

“UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng phuc vụ hành khách công cộng bằng xe buýt; Công tác quản lý bảo trì được quan tâm, luôn đảm bảo chỉnh trang, thay thế hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, đường sông; hoàn thành việc trồng cây xanh hai bên các tuyến đường tỉnh; duy trì hàng tháng, rà soát và kịp thời xử lý các điểm đen mất ATGT”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương cho biết.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng có nhiều kiến nghị liên quan đến công tác phát triển hạ tầng và đảm bảo TTATGT trên địa bàn đề nghị Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải quan tâm, hỗ trợ và tháo gỡ.


Lãnh đạo địa phương trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc của Dự án

Cụ thể, đối với Dự án cải tạo nâng cấp QL37 (Km23+200 - Km47+888), đoạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương), Tỉnh đề nghị cho ứng trước kế hoạch năm 2018 là 400 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ, sớm kết nối QL37 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Nguyễn Hoằng cho biết: Dự án sử dụng vốn NSNN, đến nay đã bố trí 725,5 tỷ đồng (hết KH 2016 là 670,5 tỷ đồng, KH năm 2017 là 55 tỷ đồng), phần kinh phí còn lại đã dự kiến trong KH đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án. Hiện nay, KH vốn đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT chưa được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận nên chưa thể xem xét đề nghị của tỉnh Hải Dương nêu trên. Đề nghị tỉnh Hải Dương chỉ đạo chủ đầu tư giải ngân hết phần vốn đã bố trí trong KH năm 2017 (55 tỷ đồng).

Ông Hoằng cũng khẳng định, do khó khăn về nguồn vốn, trước mắt, Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí duy tu, bảo trì để đảm bảo điều kiện khai thác bình thường của tuyến QL37, đoạn qua Khu di tích đặc biệt Quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc, tránh ùn ứ giao thông, đảm bảo TTATGT chứ chưa thể triển khai nâng cấp theo đề nghị của địa phương.

Về đề nghị sửa chữa QL5 đoạn qua địa bàn, Trưởng Ban PPP Nguyễn Danh Huy cho biết, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam  (VIDIFI) được giao quản lý Quốc lộ 5 từ năm 2016 (trước đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý), trong phương án tài chính (PATC) thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ năm 2015 chỉ mới tính chi phí bảo dưỡng thường xuyên và dự kiến năm 2020 mới thực hiện sửa chữa, tổng kinh phí dự tính khoảng 240 tỷ đồng. Theo báo cáo của VIDIFI, để tiến hành sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông, trong giai đoạn năm 2017-2018 cần khoảng kinh phí khoảng 840 tỷ đồng, do vậy Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phần kinh phí tăng thêm nêu trên (văn bản số 1600/BGTVT-ĐTCT ngày 20/2/2017), sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Bộ GTVT sẽ chỉ đạo VIDIFI tiến hành sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với đề nghị của Hải Dương về việc đề nghị Bộ GTVT chấp thuận đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện 8,8Km QL 18 đoạn Qua Chí Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản số 769/BGTVT-ĐTCT ngày 19/01/2017 về chấp thuận chủ trương sửa chữa, cải tạo đoạn địa phận thị xã Chí Linh vào dự án BOT QL.18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí. Hiện tại nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai

Tại buổi làm việc, báo cáo các vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương, TGĐ Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) Phạm Hồng Sơn cho biết, chủ yếu tại các Dự án giao thông Ban được giao quản lý bị vướng về mặt bằng, công tác GPMB của các địa phương chưa tốt. Cụ thể, đối với Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức BOT còn vướng 37 hộ dân, cần được giải toả để hoàn thiện tuyến theo hiện trạng;

Ông Phạm Hồng Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, HĐ GPMB huyện Tứ Kỳ quan tâm giải quyết các vướng mắc về mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng công trình cải  tạo nâng cấp QL10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, TP.Hải Phòng; đề nghị Bộ GTVT làm việc cụ thể với các địa phương để hoàn thành công tác GPMB theo đúng tiến độ đã cam kết vì nhà đầu tư đã chuyển kinh phí đủ cho địa phương đối với Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 qua Bắc Ninh – Uông Bí.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo Tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và thành viên Đoàn công tác, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao và chúc mừng cán bộ và nhân dân Hải Dương đã phấn đấu, nỗ lực và phát huy nội lực nên kết quả năm 2016 nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Liên quan đến lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo TTATGT trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chia sẻ với lãnh đạo địa phương.

“Hải Dương là một trong số các địa phương làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, tuy nhiên, vì còn nhiều điều kiện chủ quan và khách quan nên năm 2016, TTATGT trên địa bàn nhiều tiêu chí gia tăng không tốt. Do đó, đề nghị lãnh đạo Tỉnh và các cơ quan liên quan lưu tâm, tìm các biện pháp mạnh nhằm kiềm chế TNGT. Qua đây tôi cũng đề nghị không chỉ Hải Dương mà với tất cả các địa phương, hoàn thiện lại cơ chế phối hợp công tác giữa lực lượng Thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông trong khi thi hành nhiệm vụ mới có thể siết chặt và đủ sức răn đe các hiện tượng vi phạm Luật giao thông đường bộ, từ đó kiểm soát hiện tượng xe quá tải, bảo vệ hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Qua đây, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch UB ATGT QG Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị Hải Dương tập trung vào đảm bảo AT giao thông đường sắt, đặc biệt trên địa bàn có tới hàng trăm các nút giao giữa đường bộ và đường sắt, đường ngang qua đường sắt và lối đi dân sinh, Bộ trưởng đồng tình với đề nghị làm ngay đường gom, đồng thời yêu cầu quản lý tốt hiện trạng này, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đánh giá Hải Dương có tiềm năng và thế mạnh rất tốt để phát triển giao thông đường thuỷ nội địa, nhằm giảm tải áp lực cho đường bộ và tạo nên hệ thống vận tải đa phương thức, có tính kết nối. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ, nhất là Cục Đường thuỷ nội địa sớm cùng địa phương rà soát thực tế, phát triển các tuyến vận tải sông, biển và logicstic...


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Đối với các vướng mắc, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển hạ tầng giao thông mà lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ GTVT giải quyết, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cơ bản đồng tình với ý kiến giải đáp của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ.

“Ngoài ý kiến cụ thể về từng dự án mà đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và các đồng chí thành viên Đoàn công tác đã giải quyết, tôi đề nghị lãnh đạo Tỉnh quan tâm hơn nữa đến 3 dự án do Ban Quản lý dự án 2 của Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quản lý, nhất là công tác GPMB. Chúng ta phải không được có quan niệm là tỉnh bạn cần chứ tỉnh ta không cần mà trách nhiệm là phải phối hợp tốt với các cơ quan của Bộ, của địa phương lân cận có cùng dự án đi qua từ đó mới có thể đẩy nhanh tiến độ”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu TGĐ Ban QLDA2 phải có trách nhiệm yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án  phải hoàn thiện hệ thống cảnh báo ATGT QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua Bắc Ninh và Hải Dương, khi đưa vào vận hành khai thác (nhưng chưa thu phí) vào tháng 6/2017 này.

Trước đó, sáng 24/2, cùng Lãnh đạo Tỉnh Hải Dương thị sát một vài điểm trên QL5 cũ, đặc biệt đối tại nút giao huyện Bình Giang, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã “truy” Bí thư Huyện uỷ Bình Giang về việc để chậm trễ tiến độ nút giao này. “Đồng chí có biết Dự án này lẽ ra phải đưa vào khai thác từ tháng 6/2016 mà đến bây giờ vẫn như thế này? Vậy thì bao giờ sẽ xong? Đối với các nhà đầu tư, chưa nói đến hiệu quả kinh tế xã hội, thì việc chậm đưa công trình vào khai thác, sử dụng đã thiệt thòi cho chính mình biết bao nhiêu rồi? Lãnh đạo Huyện phải trực tiếp vào cuộc thôi.  Dự án kéo dài sẽ làm người dân mất lòng tin vào chính quyền, vào ngành Giao thông. Đây cũng thể hiện thước đo năng lực của lãnh đạo”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cương quyết yêu cầu.

H.Lâm
 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)