Tỷ lệ các nhiệm vụ quá hạn của Bộ GTVT thấp nhất trong các Bộ ngành

Thứ ba, 21/03/2017 13:36 GMT+7

Đó là nhận xét của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ GTVT do Chính phủ, Thủ tướng giao sáng 21/3.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ đã cùng dự và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017.


 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ GTVT
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt ý kiến về 9 vấn đề bao gồm: vấn đề tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn đường sắt tăng; vấn nạn xe dù, bến cóc, tạo ra lộn xộn về trật tự đô thị; ùn tắc giao thông và phân luồng giao thông tại các thành phố lớn;  tình trạng xe quá tải, quá khổ; vấn đề quy hoạch sân bay, hàng không; vấn đề chất lượng công trình giao thông; vấn đề liên quan tới các dự án BOT và trạm thu phí; cổ phần hóa doanh nghiệp; vấn đề hoàn thiện thể chế yêu cầu Bộ GTVT giải trình rõ thêm và có giải pháp xử lý.
 
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng việc Tổ công tác của Thủ tướng tới làm việc tại Bộ GTVT là một cơ hội để Bộ và các đơn vị trong Bộ báo cáo tới Thủ tướng các vấn đề mà đơn vị đã thực hiện được trong thời gian cũng như nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
 
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao
 
Báo cáo với Tổ công tác tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 1/2016 đến ngày 10/3/2017, Bộ GTVT nhận được tổng số 610 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã hoàn thành 509 nhiệm vụ, đạt 83%, chưa hoàn thành 101 nhiệm vụ, chiếm 17% (trong đó có 99 nhiệm vụ trong hạn, và 02 nhiệm vụ quá hạn).
 
Về công tác xây dựng văn bản QPPL, Bộ GTVT đã hoàn thành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng hạn 26/26 đề án. Bộ cũng đã kịp thời hoàn thiện Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và các Nghị định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT; hoàn thành toàn bộ các văn bản QPPL (11 thông tư) liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 10/5/2016 về thi hành Luật Phí, lệ phí. Bộ đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 04/11/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển, doanh nghiệp đến năm 2020. Tính đến nay đã giảm phí đường bộ được 29 trạm thu phí, vượt 10 trạm so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó Bộ cũng tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không; các doanh nghiệp cảng biển, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. 
 
Trong năm 2016, tai nạn giao thông tiếp tục giảm trên cả 03 tiêu chí, số vụ, số người chết, số nguời bị thương; tinh hình, trật tự ATGT những tháng đầu năm 2017 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Công tác đầu tư phát triển KCHTGT được tăng cường quản lý, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án thực sự cấp thiết, các dự án mang tính kết nối, thúc đẩy phát triển vùng... đã góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nhất là trong điều kiện NSNN dành cho đầu tư phát triển rất hạn chế.
 
Công tác CCHC, cải cách TTHC tiếp tục được triển khai có hiệu quả như việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Năm 2016, Bộ đã hoàn thành 63 dịch vụ công: trực tuyến mức 3 và 4, hoàn thành việc tích hợp hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống hóa đơn điện tử với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thành 38 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 theo kế hoạch
 
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cảm ơn sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ đối với Bộ GTVT
 
Nhân dịp này, qua Tổ công tác, Bộ GTVT cũng kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ một số vấn đề liên quan tới thời gian thực hiện các nhiệm vụ được giao; xem xét, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chi đạo về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn cho Bộ để có điều kiện hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm, đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định. Ngoài ra Bộ cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành 06 dự thảo văn bản do Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ cuối năm 2016, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực giao thông vận tải.
 
Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, 9 vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổ công tác truyền đạt tới Bộ GTVT đã được lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ Vận tải, Vụ Tài chính, Vụ PPP, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông lần lượt báo cáo và giải trình. Phát biểu về thêm về các ý kiến các đơn vị đã báo cáo, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, Bộ GTVT đã hết sức quyết liệt trong các công tác bảo đảm ATGT, kiểm soát xe quá khổ, quá tải tuy nhiên vai trò của địa phương cũng hết sức quan trọng do vậy đề nghị các địa phương hết sức quan tâm. Bộ cũng đang tập trung xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư quan tâm có thể tham gia đầu tư xây dựng các cảng hàng không. Về vấn đề cấp phép khai thác cát tận thu khi nạo vét luồng đường thủy nội địa, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết Bộ đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa dừng tất cả các dự án đang được cấp phép. Bộ trưởng cũng cho rằng cần xem xét để địa phương quản lý việc cấp phép khai thác tận thu còn Bộ GTVT chỉ quản lý luồng vì địa phương mới đủ điều kiện để quản lý việc khai thác.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao các kết quả mà Bộ GTVT đã đạt được trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017 trong công tác xây dựng hoàn thiện.
 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Bộ GTVT là cơ quan QLNN lớn, quản lý đa lĩnh vực mà chỉ có 2 nhiệm vụ quá hạn trên 610 nhiệm vụ được giao cho thấy Bộ là một trong những Bộ ngành, Tổng công ty nhà nước có tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn thấp nhất.
 
Bộ GTVT cũng đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Chính phủ. Trong công tác cải cách hành chính năm 2016, Bộ đã có 63 dịch vụ công:trực tuyến mức 3 và 4 và sẽ tiếp tục có thêm 38 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 nữa trong năm 2017. Tuy nhiên, Bộ cũng cần sớm thực hiện nhiệm vụ tính toán suất đầu tư 1km đường cao tốc, sớm định hình các tuyến đường ven biển. Ngoài ra, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ hết sức quan tâm giải quyết các vấn đề về hạ tầng, đường ngang, gác chắn, phối hợp với địa phương cảnh giới các đường ngang nhằm giảm tai nạn giao thông.
 
Đối với vấn đề xe dù, bến cóc, Bộ cần hoàn thiện sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 86 để trình Văn phòng Chính phủ trước 20/4 để đầu tháng 5 có thể ban hành, trong đó tập trung vào một số vấn đề nóng. Bộ GTVT cũng cần sớm làm việc trực tiếp với Bộ Công an để 2 Bộ tiếp tục phối hợp trong kiểm soát xe quá tải, quá khổ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
 
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa về giao địa phương quản lý cấp phép khai thác tận thu nạo vét luồng đường thủy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh:“Cái này Bộ không nên làm vì địa phương quản lý tốt hơn và gắn với quyền lợi của họ. Chúng tôi đồng tình với việc Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là giao địa phương”.
 
Đồng tình với các kiến nghị của Bộ GTVT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu, đồng thời giải quyết ngay trong tháng 3 các dự thảo mà Bộ đã trình năm 2016.
 
Cảm ơn sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ đối với Bộ GTVT trong thời gian qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định bên cạnh các nỗ lực của các cơ quan của Bộ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao còn có sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện, chia sẻ của Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Văn phòng Chính phủ và cá nhân Bộ trưởng Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đối với Bộ GTVT trong thời gian tới.
DT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)