Hội nghị đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử

Thứ tư, 28/06/2017 14:46 GMT+7

Sáng 28/6, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì Hội nghị đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Vụ, Thanh Tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đại diện các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư…, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Thuế, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, đại diện Sở GTVT các tỉnh, đại diện các Hiệp hội Vận tải ô tô, Hiệp hội Taxi, đại diện Grabtaxi, Uber Việt Nam, các hãng taxi tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian qua, loại hình vận tải bằng taxi đã góp phần tích cực nhằm xây dựng và thúc đẩy, nâng cao chất lượng, dịch vụ vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, chủ yếu trong các đô thị trên địa bàn cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong năm 2014, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xuất hiện ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải cho hành khách như là Grabtaxi, Uber... Đây là xu thế phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GTVT kể cả trên phạm vi quốc tế cũng như Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch…

Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã xin ý kiến Chính phủ về việc triển khai thí điểm ứng dụng KHCN, hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách nhằm tạo điều kiện trong việc triển khai ứng dụng KHCN  trong ngành GTVT, đặc biệt là sàn giao dịch GTVT trong tương lai. Đề án đã được nhiều các Bộ, Ngành ủng hộ, sau khi đưa vào triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải vừa thực hiện nghiêm các quy định vừa đảm bảo ứng dụng KHCN trong tổ chức điều hành, nâng cao chất lượng kinh doanh vận tải.

Cho đến nay, theo đánh giá của các Sở GTVT, các đơn vị tham gia thí điểm, Đề án đã tạo nhiều thuận lợi, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, khách hàng. Bên cạnh đó cũng phát sinh một số vấn đề cần bàn bạc thảo luận, đề xuất giải pháp khắc phục, đặc biệt là tình trạng phương tiện không được gắn phù hiệu hoạt động trên nền tảng công nghệ phát triển mạnh gây ra nhiều hệ quả, trong đó nổi lên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với các hãng taxi truyền thống.

Hội nghị hôm nay là cơ hội để các đơn vị kinh doanh taxi, các đơn vị tham gia thí điểm, các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội taxi, các Sở GTVT trao đổi, thống nhất để cùng đưa ra những biện pháp quản lý vận tải ngày một tốt hơn, giải quyết những vướng mắc phát sinh đồng thời chỉ đạo những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung trong công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc đã trình bày báo cáo về công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT đối với loại hình vận tải taxi cũng như công tác thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ  hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi có mặt trong cả nước, đặc biệt tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 1 trong 5 loại hình vận tải hành khách theo quy định, có đóng góp lớn trong xây dựng đất nước, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế phương pháp điều hành truyền thống.

Tuy vậy, chất lượng dịch vụ một số hãng còn hạn chế, giá cước còn cao, thiếu tính cạnh tranh, ứng dụng KHCN còn chậm… Hiện nay, các đơn vị quản lý nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hãng taxi theo quy định.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc trình bày báo cáo

Báo cáo cũng trình bày về Đề án điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ  hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trong thời gian qua. Theo đó, tính đến trước tháng 6/2017, Đề án thí điểm đã được triển khai tại 3/5 địa phương là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, có 9 đơn vị tham gia cung cấp phần mềm và đông đảo các đơn vị vận tải tham gia thí điểm. Đề án tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại, lựa chọn phương tiện, công tác thu nộp thuế của doanh nghiệp vận tải cơ bản được chấp hành tốt, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện, từng bước nâng cao chất lượng vận tải…

Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các hãng taxi như Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, Công ty Vinasun… và Bộ GTVT đều có văn bản giải quyết, trả lời các kiến nghị nói trên.

Trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, nhận diện tên gọi, dán nhãn hiệu đối với các xe hợp đồng áp dụng phần mềm Uber và Grab, xây dựng chế tài quản lý và xử phạt đối với loại hình vận tải hành khách này đồng thời sửa đổi lại các quy định về quản lý xe hợp đồng tại Nghị định 86, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với các hãng taxi truyền thống.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra những quan ngại về việc số lượng xe hợp đồng được cấp phù hiệu tăng nhanh, chủ yếu là các xe đăng ký mới, gây khó khăn cho việc quản lý phương tiện, tổ chức giao thông đô thị. Các Sở GTVT đều kiến nghị cần có đánh giá tổng kết Đề án thí điểm để từ đó có thể xây dựng các giải pháp nhằm quản lý các xe hợp đồng ứng dụng phầm mềm Uber, Grab một cách tốt hơn.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế cho biết hiện tại chính sách thuế áp dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam là bình đẳng như nhau. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp taxi nhằm đảm bảo minh bạch trong vấn đề kê khai, nộp thuế. Tổng cục Thuế cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại mô hình kinh doanh của Uber tại Việt Nam, đề xuất Uber nên thành lập tư cách pháp nhân tại Việt Nam để thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết khi Grab và Uber vào hoạt động đã gây ra những đảo lộn nhất định đối với hoạt động của taxi truyền thống. Đây là vấn đề nóng không chỉ của Việt Nam mà của cả các nước trên thế giới. Hiện nay, quản lý nhà nước đang từng bước hài hòa các loại hình này, xử lý vấn đề một cách hợp lý phù hợp với xu thế phát triển đồng thời cũng đảm bảo được hoạt động của taxi truyền thống.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, Bộ GTVT luôn cầu thị, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp khi có sự cạnh tranh giữa taxi truyền thống và loại hình vận tải mới, áp dụng phầm mềm Grab và Uber. Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, làm rõ loại hình vận tải nói trên, đưa vào sửa đổi Nghị định 86 để có giải pháp quản lý tích cực hơn. Trong cuối năm 2017, Bộ GTVT sẽ tổng kết 2 năm thực hiện mô hình thí điểm, đưa ra các giải pháp quản lý tốt hơn. Bộ GTVT sẽ làm việc với từng thành phố về mô hình thí điểm này để tập hợp các ý kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng cho biết Bộ GTVT sẽ làm việc với 2 đơn vị Grab và Uber cùng các Bộ, Ngành, địa phương liên quan nhằm làm rõ mô hình hoạt động của các đơn vị này, yêu cầu hai đơn vị cần nhận thức được trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành pháp luật Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh cùng có lợi với các hãng taxi truyền thống.

Bộ GTVT cũng sẽ làm việc với các đơn vị liên quan, rà soát xem xét lại 13 quy định được áp dụng đối với hoạt động vận tải bằng taxi; sửa đổi, bổ sung Nghị định 86, Nghị định 46 để thỏa mãn các điều kiện tốt hơn trước khi ban hành, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải./.

KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)