Để có một đất nước Việt Nam hòa bình và độc lập như hôm nay, không thể không kể tới những người con đã biết cách “truyền lửa” cho phong trào hết mình vì tiền tuyến, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc thân yêu. Và một trong những “ngọn lửa” làm cháy rực trái tim ngay cả khi thể xác đã tan tành trong bom đạn chính là những bài ca bất hủ, những giai điệu có sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.
Anh chị em trong Đoàn được vinh dự cùng Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ(thứ 2 từ phải qua)
chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu Trung Quốc
"Điều mà chúng tôi không bao giờ quên là ân tình của người đã khuất. Ngay cả khi đoàn Văn công đã giải tán và Bộ trưởng khi đó đã là Phó Thủ tướng, ông vẫn ân cần hỏi han từng người trong chúng tôi. Biết chúng tôi có nhiều người chỉ có năng khiếu nghệ thuật, không có bằng cấp gì, không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ông đã giao cho các đoàn thu nạp anh em. Ông thực sự là một huyền thoại đẹp trong ký ức của mỗi thành viên đoàn Văn công có cái tên đã đi vào lịch sử: “Tiếng hát át tiếng bom”.
Nhà thơ Hoàng Hữu Ninh
|
Sau gần 28 năm nói về đội văn nghệ hạt nhân nổi tiếng và hào hùng suốt một thời chiến tranh ác liệt, nhà thơ Hữu Ninh vẫn còn nguyên sự xúc động và tinh thần “máu lửa”. Đặc biệt, trong câu chuyện của ông, hình ảnh cố Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ hiện lên như một huyền thoại của sự lãng mạn và tình yêu thương vô bờ bến.
“Chưa bao giờ lớp thế hệ đầy nhiệt huyết, đầy đam mê và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng như chúng tôi lại cảm thấy trái tim mình xúc động, rưng rưng khi nhắc tới tên người cha tinh thần của mình suốt những năm tháng gian nan, chật vật và ác liệt của chiến tranh đến vậy.
Ông không chỉ đẹp về hình thức mà cả tâm hồn và tầm nhận thức của ông luôn vượt lên mọi quan niệm của thời đại. Không có ông không có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, không có liều thuốc bổ tinh thần vô giá để thúc đẩy nhiệt huyết, sự nỗ lực và quên thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của lớp thanh niên ngày đó”.
Không khô khan mà dân dã, lãng mạn
Sẽ là sự kinh ngạc nếu không nói là quá phiêu lưu khi ở thời điểm ác liệt của cuộc chiến chống Mỹ, Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ lấy nghệ thuật làm đòn bẩy và là mũi nhọn tấn công vào kẻ địch. Năm 1967, ông quyết định thành lập đội Văn công có tên gọi nêu rõ mục tiêu và hành động cụ thể: “Tiếng hát át tiếng bom”, nhằm hướng về mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.
Thời điểm đó, cả nước hướng về miền Nam thân yêu với khát khao giải phóng đất nước và giao thông chính là huyết mạch, là con đường sống còn với vận mệnh đất nước. Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Nhưng thay vì đưa ra những khẩu hiệu khô khan, khó học thuộc, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã dùng nghệ thuật như một công cụ hữu hiệu nhất và xuất phát từ cách mà quần chúng nói về văn nghệ, ông đã chọn câu khẩu hiệu dân dã: “Tiếng hát át tiếng bom” để đặt tên cho đội văn công “con đẻ” của mình.
Chính vì vậy, cứ ở tuyến đường nào địch đánh phá ác liệt nhất thì tiếng hát lại được cất lên từ đó: Cầu bị đánh sập: vẫn hát; đường bị phá hủy lồi lõm: vẫn hát; xe, pháo bị sa lầy: vừa kéo, vừa lôi, vừa hát…
Thậm chí, cả khi đồng đội ngã xuống, giữa đạn, bom, pháo sáng, thân xác tan tành, trái tim vẫn như còn thổn thức theo giai điệu những bài tình ca bất hủ và những người còn lại vẫn hát trong ánh mắt đã nhòe đi và khóe môi mặn chát…
Chính vì tinh thần văn nghệ sôi động đã tiếp thêm một nguồn lực tinh thần vô giá cho mỗi người chiến sĩ, khiến họ coi cái chết nhẹ tênh. Chiến trường càng ác liệt, sự thăng hoa trong tinh thần càng lên và mặt trận chính là nơi nuôi dưỡng những tưởng tượng được bay bổng. Chưa bao giờ, sự lãng mạn lại được cất cánh từ nơi mà sự sống và cái chết không còn một ranh giới nào mong manh hơn thế.
Yêu là không bao giờ buông, cả khi đã giã từ…
“Nếu đoàn Văn công của chúng tôi đi tới đâu mang “lửa” tới đó thì “ngọn lửa” truyền sức mạnh cho hơn ba mươi con người của đội văn công chính là ngài Phan Trọng Tuệ. Chỉ cần nghĩ tới ông thôi, chúng tôi đã muốn bùng cháy trên sân khấu. Ông không chỉ khởi xướng phong trào mà còn mạnh tay đầu tư và trân trọng nhất mực “đội quân thiện chiến” này. Cứ ở đâu có nhân tài văn nghệ ông liền tìm cách chiêu mộ về. Chính bởi vậy ở đoàn không chỉ có những “nhân vật” đẹp về hình thể mà còn rất đỗi tài năng, như nhạc sỹ Ngọc Tính.
Bên cạnh đó, ông còn chu cấp đầy đủ cho đoàn về mặt hậu cần. Thứ trưởng Trịnh Ngọc Điệt là người thay mặt Bộ trưởng lo lắng về mặt hậu cần cho đoàn Văn công chúng tôi. Tôi còn nhớ, thời đó cây đàn ác- coóc-đi-ông rất hiếm và đắt đỏ nhưng ông đã sẵn lòng chi 3.000 đồng (tương đương 100 triệu đồng bây giờ - PV) để mua một cây đàn nhập từ Italia về”.
Hiện nay, đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn duy trì hoạt động với sự đóng góp tình nguyện của mỗi thành viên. Đoàn là thành viên trực thuộc Hội Âm nhạc TP Hà Nội. Từ đầu năm tới nay, đoàn nhận nhiều hợp đồng và lời mời biểu diễn dài ngày tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh những thành viên cũ thì những bạn trẻ hoạt động không chuyên tại các đơn vị trong Bộ GTVT, từng đoạt các giải thưởng biểu diễn ở các phong trào quần chúng, cũng tham gia biểu diễn rất hào hứng. |
Không chỉ được lo đầy đủ về mặt vật chất, được đầu tư về nhân lực, vật lực, đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” còn nhận được nguồn động viên tinh thần to lớn từ Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Nhà thơ Hữu Ninh kể: “Có những hôm rất muộn, cả đội đang tập văn nghệ thì bác Tuệ và vợ tới thăm. Bác Tuệ vào ngồi ở góc phòng và ra hiệu cho các anh em cứ tập, bác ngồi chăm chú xem. Nhiều lần bác gọi cả đội về nhà ăn cơm, đầm ấm và rất ngon miệng.
Vào thời điểm ác liệt, cái chết luôn rình rập và lơ lửng trên đầu, chúng tôi vẫn hát vang và không ai lo sợ bởi hình ảnh của bác Tuệ với gương mặt rạng rỡ đôn hậu, dáng cao uy nghi và nụ cười hồn hậu luôn hiển hiện trong từng suy nghĩ của chúng tôi”.
Nhà thơ Hữu Ninh đã kể lại chuyện Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ bỗng nhiên xuất hiện tại mặt trận, trong một buổi biểu diễn của đội văn công trên sân khấu dựng tạm. “Bữa đó tại Thanh Hóa, chiến trường Khu 4 được coi là ác liệt nhất, chúng tôi đang say mê biểu diễn thì có tin báo Bộ trưởng đến. Ông giản dị và thân thương vô cùng. Tôi còn nhớ như in hình ảnh ông ngồi trên thân cây đổ chăm chú lắng nghe và cổ vũ nồng nhiệt.
Ở Bộ trưởng có một sức hút rất đặc biệt và sức hút đó như thôi miên chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chính cái tâm, cái đức của ông đã một phần bao trùm lên số phận mỗi thành viên và giúp chúng tôi nhiều lần thoát chết, trong đó có lần tại đường 9 Nam Lào. Giữa màn bom đạn ác liệt, cả đoàn vừa nhảy hết ra khỏi xe thì một cây cổ thụ đổ ập xuống, đè cái xe bẹp dí”.
Đoàn văn công được thành lập năm 1967, sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt” mà ngành GTVT giao cho, năm 1975 những thành viên trong đoàn được bố trí làm hạt nhân cho các phòng ban, các cơ quan trong Bộ. Nhưng tới nay, đã hơn 40 năm, đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn hoạt động sôi nổi với sự tình nguyện của các thành viên bởi họ đã quá gắn bó với nhau bằng một thời oanh liệt đã qua.