Tính toán năng lực và tổ chức giao thông của nút giao có đèn tín hiệu

Thứ tư, 20/01/2021 08:16 GMT+7

Nhóm tác giả Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải áp dụng phương pháp phân tích năng lực thông hành và mức phục vụ (LOS) của nút giao thông có đèn tín hiệu điều khiển. Kỹ thuật phân tích cần phải xem xét một phạm vi thay đổi lớn của các điều kiện hiện hành, gồm lưu lượng xe đầu vào và đầu ra nút, tổ hợp dòng xe, đặc tính hình học nút và thông số chi tiết của các pha đèn. Phương pháp luận tập trung vào việc xác định LOS cho các điều kiện đã biết hoặc dự kiến.

Mặt bằng nút giao Đào Tấn - đường Bưởi

Với những nút giao thông đơn giản, dòng xe ít và thuần nhất thì các phương pháp tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu ở nước ta vẫn đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi lượng giao thông tăng lên một cách nhanh chóng, nhất là trong các đô thị lớn, thì việc áp dụng các đèn tín hiệu theo những phương pháp tính đã biết ở nước ta bộc lộ nhiều hạn chế, không giải quyết được triệt để những tồn tại về ùn tắc và xung đột giao thông. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học của chúng ta phải tìm hiểu những phương pháp thiết kế đèn tín hiệu hiện đại và phù hợp, có những cái nhìn đa chiều và cụ thể về hiệu quả của đèn tín hiệu khi áp dụng vào từng nút giao cụ thể. Bài báo tìm hiểu phương pháp tính toán, tổ chức đèn tín hiệu theo phuong pháp HCM (Highway Capacity Manuals) của Mỹ để có những đánh giá cụ thể, chính xác vào điều kiện giao thông tại các nút giao ngã tư trong các đô thị lớn ở nước ta.

Phương pháp HCM cho phép nghiên cứu nhiều vấn đề trong lĩnh vực về kỹ thuật - tổ chức giao thông, như đánh giá tổng quát về đặc điểm giao thông của cả nút giao (M. AAbojaradeh, 2014); hoặc nghiên cứu về năng lực thông hành và thời gian trễ xe tại nút giao (Ning Wu, 2016); hay nghiên cứu các vấn đề về chỗ dừng đỗ xe trong nút giao (Jing ZHAO, 2013); nghiên cứu đặc tính của dòng giao thông rẽ trái trong nút giao… Tính toán tổ chức đèn tín hiệu cho nút giao thường bao gồm các bước cơ bản sau đây: xác định thời gian các pha đèn; pha và phân pha tín hiệu; tính toán thời gian chuyển pha; xác định chất lượng dòng giao thông đối với từng nhóm đối tượng tham gia giao thông; xác định khả năng thông qua đối các dòng giao thông…

Nghiên cứu đã phân tích, tính toán, đánh giá năng lực thông hành - mức phục vụ và hiệu quả tổ chức giao thông của nút giao Đào Tấn - đường Bưởi tại Hà Nội. Kết quả tính toán cho phép đánh giá một cách tổng quát và cũng rất chi tiết đặc điểm của dòng xe trên các hướng đi qua nút giao. Với mức phục vụ gần ở mức trung bình cho cả nút giao vào giờ cao điểm và mức phục vụ kém cho một hướng có lưu lượng xe lớn nhất. Có nhiều giải pháp có thể đưa ra, nhưng cần nhấn mạnh vào việc trong điều kiện hiện trạng hình học nút giao hiện nay, giải pháp khả thi có thể xét đến đó là tổ chức lại các pha đèn, nhất là pha đèn xanh dành riêng cho làn rẽ trái với dòng xe có mức phục vụ kém (F). Bên cạnh đó, với những nút giao còn khá rộng ở điểm vào nút, nên nghiên cứu bố trí làn dành riêng cho dòng xe rẽ trái, trước mắt là cho dòng xe hướng từ Đào Tấn đi Nguyễn Khánh Toàn.

Nguồn: Tạp chí GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)