Điều này cũng vừa là sự phấn chấn vừa là nỗi trăn trở của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khi nói chuyện với phóng viên nhân dịp đầu năm mới 2010.
Giải ngân cho kết cấu hạ tầng giao thông: Có bước đột phá
Thưa Bộ trưởng, đâu là điểm nổi bật nhất của ngành GTVT trong năm qua?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Xin nói ngay, đó là kết quả của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Năm nay toàn ngành đạt 35.0000 tỷ đồng, đặc biệt giải ngân ODA hơn hẳn các năm (đạt gần 200%), thông thường giải ngân ODA hàng năm chỉ xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, riêng năm nay đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ cũng đạt trên 114%, riêng nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước năm nay cũng thu hút đạt hơn 10.000 tỷ đồng, đây là điểm rất mới.
Kết quả trên một phần nhờ vào gói kích cầu đầu tư của Chính phủ, mặt khác là có sự đột phá trong chính sách nên đã cơ bản tháo gỡ được các khó khăn cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư, cho chủ đầu tư dự án .
Với một loạt dự án đã được khởi động, nhiều dự án đã đưa vào sử dụng trong năm 2009,Bộ trưởng có thể phác họa diện mạo của giao thông nói chung, đặc biệt là giao thông tại 2 TP lớn(Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) nói riêng trong thời gian tới như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Các dự án trải dải tại các miền của đất nước. Tuy nhiên, riêng với hai đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong khoảng 3-5 năm nữa sẽ hình thành từng bước hệ thống đường cao tốc hướng tâm.
Ví dụ: đường cao tốc hướng tâm Sài Gòn- Trung Lương , cao tốc Sài Gòn- Long Thành - Dầu Giây, Biên Hoà- Vũng Tàu... Đồng thời hình thành các tuyến vành đai 2, vành đai 3 kết nối với đại lộ Đông - Tây, hình thành các tuyến tàu điện ngầm. Khoảng 3 đến 5 năm nữa, các hệ thống này sẽ tương đối đồng bộ, bảo đảm tính kết nối của đường hướng tâm, đường vành đai với nội đô và hệ thống giao thông vận tải có khối lượng cao, sẽ là một bước giải toả ách tắc giao thông hiện nay.
Tại Hà Nội cũng vậy. Ở đây sẽ hình thành một số tuyến cao tốc hướng tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế như Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội- Hải Phòng, tuyến Bắc- Nam.… Các tuyến nội đô cũng sẽ được đồng bộ. Hiện đường vành đai 3 giai đoạn 1 đã thông tuyến, giai đoạn 2 bắt đầu khởi động, đồng thời bắt đầu khởi động tuyến giao thông bánh sắt ở trong nội đô. Tôi nghĩ cũng khoảng 3-5 năm nữa, các tuyến này sẽ giảm một phần áp lực về ách tắc giao thông.
Phải dùng các giải pháp kỹ thuật thay vì giải pháp hành chính
Giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang làm nhiều người dân ở hai thành phố này… thấy nản. Tuy nhiên với một số biện pháp tổ chức lại giao thông vừa qua, Bộ trưởng đánh giá thế nào và đâu là giải pháp, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Hiện việc tổ chức giao thông ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập. Đặc điểm giao thông của chúng ta là giao thông hỗn hợp, nhiều loại phương tiện khác nhau cùng tham gia lưu thông, đây là điều dở nhất trong tổ chức giao thông của các thành phố. Bên cạnh đó, phương tiện cá nhân lại quá nhiều cùng với thói quen đi lại của nhiều người còn tuỳ tiện nên rất dễ đi tới hỗn loạn, kẹt xe…
Để giải quyết vấn đề này, việc cần làm cả trước mắt và lâu dài là khi xây dựng các tuyến mới phải tách được các phương tiện giao thông, không phải bằng giải pháp hành chính mà bằng giải pháp kỹ thuật.
Ở TP. Hồ Chí Minh, những tuyến đường mới đã và đang thực hiện được như đường Điện Biên Phủ đã được tách ra bằng giải kỹ thuật.
Tuy nhiên ở Hà Nội cũng đã thí điểm một số tuyến nhưng chưa được vì chỉ mới tách bằng giải pháp dải phân cách mềm. Như vậy với thói quen của người dân như bây giờ sẽ không tổ chức nổi. Đơn cử như tuyến vành đai 3 khu vực Mỹ Đình chẳng hạn, về mặt kết cấu có thể tách được làn, nhưng chỉ thực hiện bằng giải phân cách mềm sơn vạch nên hiệu quả chưa cao.
Đối với các tuyến cũ có cái khó trong việc kết hợp giải pháp kỹ thuật và ý thức của người tham gia giao thông. Nhưng vẫn phải làm và phải có thời gian. Tuy nhiên tôi cho rằng với cách làm như hiện nay của Hà Nội còn chậm, cần phải nỗ lực hơn bằng giải pháp kỹ thuật thay vì giải pháp hành chính.
Bộ trưởng vừa nói với tiến độ như hiện nay của địa phương là chậm, vậy theo ông khi nào cảnh ùn tắc giao thông tại hai TP lớn này chấm dứt ?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Câu này rất khó trả lời. Quốc hội cũng đã chất vấn tôi như vậy, bởi tắc đường không phải chỉ là vấn đề của một quốc gia mà là của nhiều nước. Ngay như gần đây, tại Moscow khi diễn ra hội nghị về giao thông thế giới, lễ khai mạc đã chậm mất 1 tiếng, chỉ có mỗi Tổng thống nước chủ nhà có mặt đúng giờ còn tất cả các đại biểu đều đến chậm 1-2 tiếng do kẹt xe. Kẹt xe không chỉ ở Việt Nam mà London, Paris ... cũng có, chỉ khác nhau về mức độ. Nhưng cũng phải thừa nhận mức độ của ta đang là trầm trọng.
Vì vậy khi nào chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông cũng là câu hỏi rất khó trả lời, tuy nhiên đáp ứng cơ bản về giao thông thì cũng phải tính đến 10 năm, 15 năm nữa.
“Tắc đường là do … Bộ trưởng”
Trong sinh hoạt thường ngày, cá nhân Bộ trưởng có thường xuyên phải chịu tắc đường không?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Không nhiều, cũng bởi vì sáng tôi đi làm rất sớm, tối lại về muộn, nhưng không phải không gặp cảnh này, những lúc đó tôi thường điềm tĩnh, chờ đợi vì chẳng thể nào khác.
Vậy thời gian gặp tắc đường ông phải đợi lâu nhất là bao nhiêu phút?
15-20 phút.
Còn người thân của ông?
Tất nhiên là có rồi, lâu nhất là hơn 1 tiếng đồng hồ và họ đã mang sự bực dọc đó về “đổ vào đầu Bộ trưởng”, bởi những người trong gia đình nghĩ tôi “là thủ phạm chính của nạn tắc đường”, tôi là Bộ trưởng, trách nhiệm của tôi phải lớn hơn. Tôi cho rằng họ nghĩ thế cũng là lẽ thường, (Bộ trưởng bật cười vui vẻ- PV).
Nếu mỗi người tự điều chỉnh một chút, áp lực giao thông sẽ giảm, như đi làm sớm hơn một chút hoặc trong phạm vi bán kính vài km nên đi bộ…
Hài lòng nhất là việc đội mũ bảo hiểm !
Dành khá nhiều công sức cho công tác ATGT, đâu là điều ông thấy hài lòng nhất thời gian qua và điều nào ông còn trăn trở, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đội mũ bảo hiểm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong kiềm chế TNGT. Ngay năm đầu tiên triển khai thực hiện đội mũ bảo hiểm đã giảm hơn 1.000 người thiệt mạng và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đây là thành công rõ rệt.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đội mũ bảo hiểm là giải pháp quan trọng kiềm chế TNGT, là văn hóa tham gia giao thông.
Song tổ chức vận tải hành khách kể cả trong nội đô và đường dài là nỗi trăn trở mà rất nhiều lực lượng, nhiều cấp đã bỏ khá nhiều công sức nhưng TNGT thảm khốc vẫn xảy ra.
Điều đáng nói các tai nạn này lại rơi vào một số khu vực hạ tầng vừa được cải thiện, như một số tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Khi đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cũng là một biện pháp giảm tai nạn giao thông, nhưng đáng buồn những khu vực đó tai nạn lại không giảm, thậm chí tăng. Vì vậy nguyên nhân có thể chỉ ra là do ý thức giao thông, là do người điều khiển phương tiện uống rượu. Hiện nay 70% tai nạn chấn thương sọ não có liên quan đến rượu bia mặc dù đã có rất nhiều cuộc vận động tuyên truyền. Đó là thói quen xấu, là văn hóa tham gia giao thông chưa thực sự được coi trọng.
Tôi có thể kể một ví dụ thế này: Trong cả năm có rất nhiều việc triển khai đảm bảo ATGT, trong đó riêng tháng 9 được chọn là Tháng ATGT để làm điểm với chủ đề mới “Văn hóa giao thông” nhằm vào ý thức người tham gia giao thông.
Rất nhiều đoàn thể, chính quyền các địa phương đồng loạt vào cuộc, tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích với nhiều hình thức. Chúng tôi xác định tạo văn hóa giao thông không thể một ngày, hai ngày mà cần cả một thời gian thậm chí cả một thế thế hệ. Nhưng việc chọn tháng đó nhằm tạo cho mọi người có ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông và làm điểm để nhân rộng..
Trong hơn 3 tuần đầu, cả hệ thống đã cảm nhận được “sức nóng” của các đợt tuyên truyền và kết quả là nâng ý thức người tham gia giao thông trong việc chấp hành, nếu so với 1 tháng trước đó, số người thiệt mạng đã giảm rõ rệt (150 người), so với tháng cùng kỳ giảm 50 người.
Ai cũng cảm nhận thành công đã đến gần. Nhưng đúng khi chỉ còn 4 ngày cuối cùng đã liên tiếp xảy ra 3 vụ lớn làm thiệt mạng tới 24 người, toàn các vụ vận tải đường dài trên các tuyến quốc lộ mới được nâng cấp. Có vụ việc rất đau lòng như vụ tai nạn của một gia đình ở Thường Tín (Hà Nội).
Mong muốn một xã hội giao thông an toàn
Trong các công việc được ưu tiên, Bộ trưởng xếp công tác điều hành về ATGT ở vị trí nào?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Rất khó nói, vì việc nào cũng quan trọng, nhưng công sức và thời gian đầu tư nhiều nhất của tôi sẽ là lĩnh vực xây dựng cơ chế chính sách; tiếp theo là đầu tư xây dựng hạ tầng và thứ ba là ATGT. Nhưng 3 vấn đề này có liên kết với nhau, ví dụ cơ chế chính sách sẽ phục vụ cho an toàn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng là gắn với an toàn.
Một điều ước cho năm mới 2010, nếu được, Bộ trưởng mong muốn điều gì?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tai nạn giao thông giảm, ùn tắc giao thông giảm, một xã hội giao thông an toàn, không tai nạn.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Chinhphu.vn