Thu phí phương tiện vào nội đô nhìn từ London, Stockholm

Thứ hai, 01/11/2021 08:51 GMT+7

Thu phí phương tiện vào nội đô là biện pháp được London (Anh), Stockholm (Thụy Điển)... thực hiện nhiều năm qua để giảm tắc nghẽn.

Ban đầu, cả London và Stockholm đều vấp phải phản đối kịch liệt nhưng cả hai đều đã thuyết phục được người dân và duy trì mô hình này trong hơn 10 năm qua, trở thành hình mẫu để nhiều nước học hỏi.

Muốn giảm xe cá nhân phải tăng chất lượng phương tiện công cộng

Tại London, phí tắc nghẽn nội đô được thực hiện từ năm 2003 dưới thời Thị trưởng London đầu tiên - ông Ken Livingstone.

Biển thông báo thu phí tại London, Anh

Theo Cơ quan Giao thông London (TfL), sau 3 năm, hình thức thu phí này đã giúp giảm lưu lượng giao thông khoảng 15%, tiết kiệm thời gian đi lại tới 30% và tiếp tục có tác dụng tới tận ngày nay.

Theo City Monitor, hiện lưu lượng giao thông tại khu vực thu phí rộng 21km2 đã giảm gần 1/4 so với 1 thập kỷ trước, tạo thêm không gian cho người đi xe đạp, đi bộ.

Cách thu phí cũng rất đơn giản. Cư dân sinh sống trong nội đô sẽ được giảm phí tới 90%; người khuyết tật có thể đăng ký với cơ quan chức năng để được miễn phí. Một số loại phương tiện khác như xe cấp cứu, xe cứu hỏa, môtô, taxi... đều được miễn phí.

Ban đầu, phí được thu trong tất cả 7 ngày/tuần, từ 7h - 18h, ở mức 5 bảng Anh/ngày (gần 7 USD). Theo thời gian, mức phí theo ngày đã tăng gấp 3 lần, lên 15 bảng Anh (20 USD), áp dụng với tất cả các ngày trong tuần, trừ Giáng sinh.

Nhưng 15 năm trước, đề xuất thu phí tắc nghẽn nội đô cũng bị Hội đồng thành phố Westminster chỉ trích và kiện ra tòa vì cho rằng mô hình này đã ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, vụ kiện không thành và kế hoạch thu phí vẫn được triển khai thành công. Theo trang City Monitor, lý do là bởi chính quyền London đã đưa ra được cơ sở lập luận rõ ràng và thuyết phục.

Chính quyền London đã tham vấn rất kỹ với người dân trong khu vực và tuyên truyền rõ ràng mục đích thu phí là giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân di chuyển trong nội đô, giảm tắc nghẽn và sử dụng nguồn thu này để tái đầu tư vào cải thiện dịch vụ giao thông công cộng.

Ngoài ra, đề xuất thu phí chỉ là 1 phần trong chiến lược tổng thể để cải thiện hoạt động đi lại của tất cả các phương tiện khác trên đường phố London.

Ngay trong ngày công bố thu phí tắc nghẽn, London đã đưa thêm 300 xe buýt vào phục vụ hệ thống xe buýt khu vực trung tâm London, để người dân có thêm lựa chọn đi lại thay thế, thuận thiện hơn.

Chỉ một năm sau, số lượng người sử dụng xe buýt trong giờ cao điểm buổi sáng tại khu vực thu phí đã tăng thêm 29.000 lượt so với cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2002 đến năm 2014, số lượng xe cá nhân vào khu vực nội đô có thu phí giảm 39%.

Áp dụng thí điểm, tuyên truyền nâng cao nhận thức

Một bài học thành công khác là Stockholm (Thụy Điển). Tại đây, khu vực thu phí có diện tích 35km2, tác động tới khoảng 2/3 dân số của thành phố.

Stockholm thu phí tắc nghẽn nội đô theo nhiều mức khác nhau, tùy theo thời gian trong ngày, dao động từ 9 - 35 Krona Thụy Điển (1 - 4 USD)/lượt. Mức thu tối đa trong 1 ngày là 105 Krona Thụy Điển (khoảng 12 USD). Hai ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết… đều được miễn phí.

Thủ đô Stockholm bắt đầu tính đến việc thu phí từ năm 2005 khi trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của Thụy Điển chứng kiến dân số tăng nhanh ở mức 20.000 người/năm.

Hơn nửa triệu ô tô nườm nượp ra vào thành phố gây tắc nghẽn, giảm tốc độ di chuyển. Cuối cùng, chính quyền địa phương quyết định phải xử lý vấn đề này bằng cách thu phí.

Ông Gustaf Landahl, quan chức thành phố Stockholm thời điểm đó cho biết: “Lúc ấy, nghĩ đến thay đổi, thu phí, ai cũng ngần ngại nên chúng tôi quyết định thực hiện thí điểm trước”.

Thành phố bắt đầu thí điểm từ tháng 1/2006, kéo dài trong vòng 6 tháng. Thời điểm đầu, theo khảo sát, có tới 60 - 70% người dân phản đối. “Thậm chí, trong ngày đầu tiên thực hiện, rất nhiều người đã ở nhà để đỡ bị ảnh hưởng”, ông Landahl kể.

Thời gian qua đi, khi người dân nhận thấy đường phố thông thoáng hơn, cảm nhận chất lượng không khí, tiếng ồn thay đổi rõ rệt, xe buýt đến đúng giờ, niềm tin của người dân bắt đầu tăng.

Cũng như London, song song với việc thu phí, Stockholm rất chú trọng củng cố hệ thống vận tải công cộng, mở thêm các điểm đỗ xe ngoài nội đô, cho phép người dân có thêm lựa chọn tốt, hợp lý ngoài sử dụng ô tô cá nhân.

Sau chương trình thí điểm, chính quyền Thụy Điển tổ chức chưng cầu dân ý. Đa phần người dân Stockholm đều ủng hộ thu phí và nơi đây trở thành thành phố đầu tiên của châu Âu thực hiện thu phí tắc nghẽn nội đô.

Ông Miro Holecy, một Giám đốc Kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông của Tập đoàn IBM Global, từng hợp tác với Stockholm về kỹ thuật trong chương trình trên đánh giá, thành công của thủ đô Thụy Điển có được là nhờ nghiêm túc thực hiện nghiên cứu, có được sự đồng thuận trong chính trị, hoạt động tuyên truyền xuyên suốt và đúng đắn về lợi ích của chương trình với người dân…

Singapore - “Cha đẻ” của hệ thống thu phí tắc nghẽn

Singapore bắt đầu thực hiện chương trình thu phí này từ năm 1975. Ban đầu, ô tô chỉ có 1 - 2 hành khách phải đóng phí 1 USD mỗi lần ra vào khu vực trung tâm của Singapore trong thời gian cao điểm buổi sáng.

Xe có 3 hành khách, xe tải, phương tiện công cộng, phương tiện làm nhiệm vụ (cảnh sát, cứu hỏa, cứu thường…) đều được miễn phí.

Từ năm 1998, Singapore đã sửa đổi bổ sung cách thu phí, áp dụng mô hình thu theo từng khung thời gian trong ngày, từng địa điểm, từng loại phương tiện, kéo dài từ 7h - 19h với mức phí dao động từ 0 - 4 USD/lượt và ứng dụng thu phí tự động.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)