Cách Đức, Nhật giúp người già tham gia giao thông an toàn

Chủ nhật, 27/11/2022 17:18 GMT+7

Tại Nhật Bản và Đức, có rất nhiều chính sách để tăng cường nhận thức, nâng cao bảo vệ ATGT người cao tuổi.

Những con số biết nói

Năm 2021, hơn một nửa (58,3%) số người đi xe đạp và người đi bộ thiệt mạng trong các vụ tai nạn tại Đức là từ 65 tuổi trở lên. Trong số những người ngồi trên xe khách thiệt mạng ở các vụ TNGT ở Đức, hơn 25% cũng thuộc nhóm tuổi này.

Cũng theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, đất nước có dân số già này đã xảy ra 333 vụ tai nạn chết người do lái xe từ 75 tuổi trở lên gây ra vào năm 2020, chiếm 13,8% tổng số vụ tai nạn.

Tại quận Ikebukuro của Tokyo, tháng 4/2019, người đứng đầu Cơ quan Khoa học và Công nghệ Công nghiệp thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế đã về hưu cũng gây ra một vụ tai nạn xe hơi khiến một mẹ con thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Khi bị tạm giữ, ông thừa nhận mình đã nhầm lẫn giữa phanh và chân ga, cuối cùng bị kết án 5 năm tù.

Vụ tai nạn do một lái xe khoảng 80 tuổi gây ra tại Fukuoka, Nhật Bản năm 2019.

Nguồn: Mainichi

Vào tháng 6 cùng năm, một tài xế xe tải nhỏ ở độ tuổi 80 đã chạy sai đường khi đi qua một ngã tư ở TP Fukuoka. Vụ tai nạn khiến 10 người bị thương, còn cụ ông 80 tuổi và vợ đều thiệt mạng.

Một mặt, những con số này phản ánh nguy cơ dễ bị tổn thương của người cao tuổi. Mặt khác, đây là thực tế cho thấy các kỹ năng nhận thức và vận động của người cao tuổi nhiều khi bị suy giảm, đòi hỏi chính quyền đưa ra một phản ứng thích hợp.

Vì lý do này, người cao tuổi cần được nâng cao nhận thức về những rủi ro có thể xảy ra và cách phòng tránh. Bên cạnh đó, những người tham gia giao thông trẻ tuổi cũng cần hành xử cẩn trọng và chú ý tới người lớn tuổi.

Nhiều sáng kiến nâng cao nhận thức

Nhận thức được tình hình trên, Bộ Kỹ thuật số và Giao thông Đức đã triển khai nhiều hành động và kế hoạch khác nhau, trước hết là các chương trình nâng cao nhận thức cho người cao tuổi, giúp họ di chuyển một cách an toàn.

Cụ thể, Tổ chức Phòng chống Tai nạn Đức (DVW) đã tổ chức nhiều ngày an toàn giao thông đường bộ “Di chuyển nhưng đảm bảo an toàn” ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước Đức. Các sự kiện này đều miễn phí và không cần đăng ký trước.

Các thông điệp về hỗ trợ người cao tuổi tham gia giao thông trên xe buýt tại Đức.

Nguồn: BMDV

Chương trình sẽ cung cấp rất nhiều kiến thức về nguy cơ tai nạn liên quan đến việc quay đầu xe, cách đi xe đạp an toàn, việc sử dụng xe đạp và lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm, việc sử dụng an toàn khung xe lăn hoặc tầm nhìn trong giao thông đường bộ. Người cao tuổi khi tham gia cũng có thể kiểm tra phản ứng khi lái xe, về thị lực hoặc thính giác hay đánh giá các kỹ năng điều khiển xe.

Bên cạnh đó, Hội đồng An toàn Đường bộ Đức (DVR) cũng mở các khoá học “di chuyển an toàn” miễn phí để hỗ trợ mọi người trong việc đánh giá đúng năng lực tham gia giao thông của họ.

Trong các khóa học này, những người cao tuổi được tiếp xúc với các tình huống giao thông đường bộ nguy hiểm điển hình mà họ có thể gặp phải, giải thích các quy định mới và các yêu cầu về thể chất, nhận thức cá nhân khi tham gia giao thông.

Chiến dịch “Tôi cảm thấy mình còn trẻ. Tôi chỉ cần thêm thời gian” và “Tôi cần thêm thời gian hơn để di chuyển” là các thông điệp hài hước được chia sẻ trên các xe buýt ở nhiều thành phố lớn của Đức. Với chiến dịch này, chính phủ Đức muốn nâng cao nhận thức của các thế hệ trẻ rằng họ nên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với người cao tuổi và chú ý hơn đến người cao tuổi.

Tại Nhật Bản, từ năm 1998 họ đã tìm cách nâng cao nhận thức cho các tài xế cao tuổi bằng việc yêu cầu tham gia các buổi trao đổi về ATGT đường bộ khi gia hạn giấy phép.

Kể từ năm 2009, tất cả những người lái xe từ 75 tuổi trở lên cũng phải trải qua một bài kiểm tra chức năng nhận thức để tầm soát bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Trong một số trường hợp, đơn xin gia hạn giấy phép lái xe có thể bị từ chối tùy thuộc vào kết quả của cuộc kiểm tra, vốn được thực hiện nghiêm ngặt hơn vào năm 2017.

Tuy nhiên, trong khi những biện pháp này chưa đủ hiệu quả để giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến người cao tuổi, các gia đình có người cao tuổi và cộng đồng địa phương đang thử nhiều cách khác nhau để khuyến khích những người lái xe cao tuổi tự nguyện từ bỏ bằng lái. Và số lượng người lái xe cao tuổi chọn không gia hạn giấy phép đang gia tăng đều đặn.

Tăng cường các biện pháp hỗ trợ

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang đẩy mạnh các biện pháp đối phó, thúc đẩy sự phổ biến của các phương tiện được trang bị phanh tự động cùng nhiều sáng kiến khác.

Từ tháng 11/2021, Nhật đã yêu cầu các mẫu xe ô tô mới phải được trang bị hệ thống phanh tự động. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, từ tháng 5/2022, người lái xe từ 75 tuổi trở lên, nếu vi phạm giao thông ở một mức độ nhất định thì khi gia hạn bằng lái sẽ cần phải thực hiện một bài kiểm tra thực tế. Nếu không vượt qua, họ sẽ không thể gia hạn giấy phép lái xe.

Tại Đức, chính phủ nước này cũng đã triển khai khoá đào tạo một ngày “Tập thể dục bằng xe đạp” để giúp cải thiện kỹ năng vận động của người cao tuổi để họ có thể điều khiển xe đạp và xe đạp điện tốt hơn. Chương trình này cũng chia sẻ nhiều bài tập và lời khuyên thực tế dành cho người đi xe đạp.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)