Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020

Thứ sáu, 15/04/2011 16:07 GMT+7
Toàn văn bài phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Hồ Nghĩa Dũng.

- Thưa Tiến sĩ Harrison - Phó Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam;
-  Thưa ông Monotori Tsuno - Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam;
-  Thưa các vị khách quý và quý vị đại biểu tham dự hội nghị,
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để thảo luận và tham gia ý kiến cho “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Việt Nam”. Đây là một văn bản quan trọng được xây dựng nhằm góp phần giải quyết một trong những thách thức to lớn mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển.
Như quý vị đã biết, tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm, chỉ bắt đầu từ năm 2003 và đặc biệt trong vài năm gần đây, tai nạn giao thông mới có xu hướng giảm.
Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách về kiềm chế và giảm thiểu tại nạn giao thông, thực hiện thành công chiến dịch đội mũ bảo hiểm cho những người điều khiển mô tô, xe máy, số người chết do tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm 1564 người so với năm 2007 (giảm 11,9%). Năm 2009, số người chết do tai nạn giao thông giảm 0,7% so với năm 2008. Năm 2010, số người chết do tai nạn giao thông giảm 0,4% so với năm 2009.
Tuy nhiên, tính bền vững, ổn định chưa cao. Cùng với tai nạn giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài xảy ra ngày càng nhiều và trên hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam.
Nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, từ nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã coi đây là một vấn đề mang tính xã hội cấp bách, cần sự vào cuộc tổng lực của cả hệ thống chính trị - xã hội. Tuy nhiên, những yếu kém về cơ sở hạ tầng, yếu kém của công tác quản lý của các cơ quan bảo đảm giao thông, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt đã làm hạn chế những nỗ lực trong “cuộc chiến” đẩy lùi tai nạn giao thông.
Chính vì vậy, ý tưởng cần thiết xây dựng một Chiến lược đồng bộ các giải pháp để giải quyết vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được Bộ GTVT nghiên cứu tính khả thi và chuẩn bị từ năm 2008.
Dự thảo “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” được gửi tới quý vị lần này do Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và sự tham gia soạn thảo của hầu hết các tỉnh, thành phố lớn, đại diện của các khu vực Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên của Việt Nam. Căn cứ để xây dựng Chiến lược dựa trên các Quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 mới được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt; những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong nhiều năm qua và đặc biệt là các kết quả nghiên cứu, giúp đỡ của các Tổ chức Quốc tế như “Nghiên cứu quy hoạch tổng thể an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam đến năm 2020” do JICA tài trợ và thực hiện; Nghiên cứu VITRANSS...
Chúng tôi hy vọng rằng Dự thảo Chiến lược này sẽ cung cấp đến các Quý vị một cái nhìn tổng thể, chân thực nhất về thực trạng an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam, những kết quả đã đạt được cũng như các khó khăn thách thức mà một nước đang phát triển như Việt Nam đang gặp phải; và đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông để hướng tới một môi trường giao thông thuận lợi và an toàn.
Chúng tôi cũng mong đợi rằng, khi Chính phủ thông qua Chiến lược này thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp đồng bộ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Thưa các quý vị,
Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là thách thức có tính chất toàn cầu. Việc mỗi năm trên toàn thế giới có gần 1,3 triệu người tử vong vì tai nạn giao thông, bình quân hơn 3000 trường hợp tử vong mỗi ngày, 20 đến 50 triệu người bị thương tích không tử vong do tai nạn giao thông là một thực tế đau xót, đòi hỏi cộng đồng thế giới gióng lên một hồi chuông cho vấn đề đang có xu hướng trở thành thảm họa toàn cầu này.
Như quý vị đã biết, sáng kiến “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020” đã được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua. Chúng tôi cho rằng, việc Liên hiệp quốc phát động thực hiện sáng kiến này là sự nhận thức đầy đủ, mang tính nhân văn cao của cộng đồng thế giới trước một vấn đề được coi là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến gánh nặng bệnh tật và thương tích toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, hoan nghênh, đánh giá cao sáng kiến “Thực hiện chương trình thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ” với mục tiêu chính là giảm được 50% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra.
Việc tổ chức Hội nghị quốc tế về “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 của Việt Nam” cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhất để hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về “Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ toàn cầu từ năm 2011 đến 2020”.
Là người đứng đầu cơ quan chủ trì xây dựng Chiến lược, tôi mong muốn thông qua cuộc hội thảo được tổ chức ngày hôm nay, sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp hữu ích của các quý vị đến từ các Bộ, ngành và địa phương và đặc biệt là các chuyên gia đến từ JICA và WHO. Với tất cả các lý do nêu trên, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị Báo cáo cuối kỳ “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Việt Nam”.
Xin trân trọng cảm ơn./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)