Hầm đường bộ là một trong những hạng mục quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ. Bên cạnh các lợi ích về giao thông - kinh tế - môi trường, hầm đường bộ lại là điểm tập trung cao nồng độ khí thải của phương tiện, là nơi có thể gây phơi nhiễm cấp tính do khí thải.
Hầm Hải Vân
Cần có quy định riêng về chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ
Bên cạnh các lợi ích về giao thông, hầm đường bộ lại là điểm tập trung cao nồng độ khí thải của các phương tiện vận tải, là nơi có thể gây phơi nhiễm cấp tính do khí thải đối với người tham gia giao thông thường xuyên qua hầm; người làm việc trực tiếp trong hầm (lực lượng bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh...); cư dân địa phương xung quanh hầm. Ở các nước phát triển, ngoài các tiêu chuẩn quốc gia quy định về chất lượng môi trường không khí xung quanh còn có tiêu chuẩn quy định ngưỡng giới hạn một số chất độc hại có trong không khí hầm đường bộ nhằm đảm bảo việc khai thác được an toàn.
Tại Việt Nam, hiện có hai Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT quy định nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho tất cả các hoạt động. Như vậy, nếu theo quy định thì chất lượng không khí trong hầm đường bộ hiện nay đều phải tuân thủ các ngưỡng giới hạn của hai quy chuẩn trên. Tuy nhiên, trong thực tế, theo TS. Ngô Quang Dự - Trường Đại học GTVT, quá trình thiết kế hầm (thiết kế hệ thông gió hầm) hiện thường áp dụng song song Tiêu chuẩn TCVN 4527:1998 - Hầm đường sắt và hầm đường ô tô - Tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam và các tiêu chuẩn thiết kế hầm khác của các nước phát triển trên thế giới (Nhật, Nauy, Mỹ...) với nồng độ CO được sử dụng để tính toán là 100 ppm (thiết kế hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả). Có thể thấy, nếu lưu lượng xe qua hầm và hệ thống thông gió của hầm hoạt động đảm bảo công suất thiết kế thì nồng độ của CO trong hầm ở ngưỡng 100 ppm (115.000 µg/m3), vượt ngưỡng trung bình 1h của Quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT khoảng 3,8 lần.
Đề xuất tiêu chuẩn chất lượng không khí trong hầm
Quy định ở các nước là khác nhau, nhưng về cơ bản quy định nồng độ CO trong hầm đều cao hơn rất nhiều so với quy định đối với môi trường xung quanh. Đặc biệt, đối với chỉ dẫn của Hiệp hội Đường bộ thế giới (PIARC) về nồng độ CO trong hầm ở tốc độ chạy xe từ 50 - 100 km/h là rất phù hợp với điều kiện giao thông trong hầm của Việt Nam.
Như vậy, nếu áp dụng các quy định hiện hành của Việt Nam thì giới hạn nồng độ CO trong hầm sẽ rất thấp, điều này đòi hỏi hệ thống thông gió trong hầm phải được thiết kế để đảm bảo lượng khí sạch được cấp vào hầm đủ để pha loãng khí thải ngay cả trong trường hợp xảy ra ùn tắc, do đó chi phí đầu tư hệ thống thông gió và chi phí vận hành sẽ rất lớn.
Nếu so sánh ngưỡng nồng độ CO theo quy định hiện hành của Việt Nam cho hầm đường bộ với các nước phát triển và các nước trong khu vực thì các quy định này quá thấp và sẽ gây khó khăn cho việc vận hành hầm đường bộ trong tương lai (lưu lượng xe ngày càng tăng thì nồng độ CO sẽ ngày càng tăng theo). Từ việc so sánh quy định của các nước, phân tích các quy định hiện hành của Việt Nam và kết quả quan trắc nồng độ CO trong hầm, TS. Ngô Quang Dự và nhóm nghiên cứu đề xuất ngưỡng giá trị giới hạn của CO trong hầm đường bộ: Trung bình trong khoảng thời gian 1h: 80.500 µg/m3 hoặc 70 ppm.
Trong hầm đường bộ, do nồng độ khí thải tập trung lớn và đề phòng cho các trường hợp xảy ra sự cố như ùn tắc, cháy nổ vẫn cần thiết phải quy định về nồng độ giới hạn SO2 trong hầm. Tham khảo các tiêu chuẩn quy định về SO2 trong hầm đường bộ thì quy định của Australia là phù hợp hơn cả (Hồng Kông chỉ quy định cho ngưỡng thời gian 5 phút, hiện nay các phương pháp quan trắc không khí tại Việt Nam chưa có quy định cho khoảng thời gian 5 phút). Từ các vấn đề như vậy, ngưỡng giá trị giới hạn của SO2 trong hầm đường bộ được đề xuất: Trung bình trong khoảng thời gian 1h: 500 µg/m3.
Đối với PM10, ở Việt Nam, các quy định về ngưỡng nồng độ tiếp xúc với PM10 được quy định như sau: QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 24h lớn nhất là 150 µg/m3 và trung bình năm lớn nhất là 50 µg/m3), trong khí đó Tiêu chuẩn thiết kế hầm TCVN 4527-1988 và Quyết định 3733/2002/BYT thì không quy định chỉ tiêu này. Đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm bụi PM trong hầm chính là lực lượng bảo trì, vệ sinh hầm (người tham gia giao thông chịu tác động rất nhỏ do thời gian lưu thông qua hầm rất ngắn, hiện nay qua hầm Hải Vân mất khoảng 10 phút). Theo quy trình bảo trì hầm, mỗi ca làm việc trong hầm kéo dài trong 2 giờ, ngày làm việc 2 ca, tức là 4 giờ. Trên cơ sở đó, ngưỡng giá trị giới hạn của PM10 trong hầm đường bộ được đề xuất: Trung bình trong khoảng thời gian 4 giờ: 900 µg/m3.
Như vậy, các thông số đặc trưng về không khí trong hầm đường bộ là: bụi lơ lửng, bụi PM10, bụi PM2,5, bụi chì, SO2, NO2, CO, O3, benzen, toluen, xylen, tổng HC, acealdehyt, naphtalen.
Đề xuất tiêu chuẩn về không khí trong hầm cho 4 thông số chính như sau: CO - Trung bình trong khoảng thời gian 1 giờ: 80.500 µg/m3 hoặc 70 ppm; NO2 - Trung bình trong khoảng thời gian 1 giờ: 752 µg/m3 hoặc 0,4 ppm; SO2 - Trung bình trong khoảng thời gian 1 giờ: 500 µg/m3 và PM10 - Trung bình trong khoảng thời gian 4 giờ: 900 µg/m3.