TP.HCM ưu tiên chuyển đổi xe buýt xanh trong đề án kiểm soát khí thải giao thông

Thứ sáu, 28/06/2024 09:40 GMT+7

Theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, xe buýt phải là phương tiện giao thông cần được ưu tiên để chuyển đổi xe buýt xanh trong đề án kiểm soát khí thải giao thông trên địa bàn thành phố, sau đó mới đến xe cá nhân.

Đề án kiểm soát khí thải giao thông trên địa bàn thành phố trước đó được đề xuất thí điểm ở huyện Cần Giờ, với nội dung là nghiên cứu chuyển đổi các xe cá nhân sang sử dụng xe điện. Trong khi thực tế cho thấy huyện Cần Giờ chưa có hệ thống hạ tầng về trạm sạc, nguồn điện, trạm sửa chữa và thu gom xử lý xe cũ… Do vậy UBND TP.HCM đã giao cho Sở GTVT nghiên cứu lại đề án trên. 

Theo ông Bùi Hoà An, Sở đã nghiên cứu và đề xuất lựa chọn xe buýt là phương tiện cần được ưu tiên thực hiện trước ở TP.HCM. Sau đó mới tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi phương tiện xe cá nhân ô tô, xe máy. Riêng về xe buýt, vùng lõi trung tâm của TP.HCM mới là nơi sử dụng nhiều.

Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP.HCM
ưu tiên chuyển đổi xe buýt cũ sang sử dụng năng lượng xanh

"Xe buýt có mức khí thải cao, bằng bình quân của khoảng 100 xe máy. Do vậy, đề án tập trung nghiên cứu chuyển đổi xe buýt cũ sang sử dụng xe năng lượng điện, sang khí CNG để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thu hút người dân đi xe buýt", ông An nói.

Trước đó, UBND TP.HCM đã giao Viện nghiên cứu phát triển TP chủ trì thực hiện đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP từ tháng 7/2023. Tuy nhiên những nghiên cứu của đề án còn chưa đầy đủ. Do đó, UBND TP đã giao Sở GTVT chủ trì, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Thực hiện đề án trên, Sở GTVT nhận thấy, việc chọn huyện Cần Giờ làm thí điểm chưa phù hợp trong khi khu vực trung tâm của thành phố, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái được đánh giá là nơi có mức độ phát thải khí C02 cao hơn.

Sở GTVT TP cho rằng, kinh nghiệm ở các nước có nền công nghiệp phát triển như Thụy Điển, Đức, Anh, Trung Quốc... đều chọn triển khai phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở vùng lõi để lan tỏa ra các khu vực xung quanh với khởi đầu bằng các khu vực nhỏ. Phương tiện được chuyển đổi đầu tiên là giao thông công cộng, sau mới là xe cá nhân.

Trên cơ sở đó, Sở sẽ tổ chức nghiên cứu và xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình và kế hoạch chuyến đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh; lấy ý kiến chuyên gia, các sở ngành, các tổ chức có liên quan trước khi báo cáo UBND TP.

Giai đoạn tiếp theo, Sở sẽ thuê tư vấn nghiên cứu đề án, trong đó bao gồm các loại phưong tiện giao thông đường bộ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích, ưu đãi và lộ trình chuyển đổi, các giái pháp triển khai có phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện...

Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM đang nghiên cứu, dự kiến thời gian hoàn thành đề án đề án vào quý 2/2025. Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố đã giao cho Sở và Sở giao Trung tâm quản lý giao thông công cộng làm chủ đầu tư thực hiện.

Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Đường bộ: Giai đoạn 2022 - 2030 : Thúc đấy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng trạm sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe trạm dừng nghỉ chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Giao thông đô thị: Giai đoạn 2022 - 2030: Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM đạt 25%, Hà Nội đạt 45-50%, Đà Nẵng đạt 25-30%, Cần Thơ đạt 20%.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)