Sáng 7/3, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre tổ chức khởi công xây dựng cầu Cổ Chiên. Đây là một trong 4 cây cầu quan trọng trên Quốc lộ 60, cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, và Đại Ngãi. Tới dự có Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức phát lệnh khởi công dự án
Cầu Cổ Chiên sau khi hoàn thành sẽ nối thông tuyến Quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TP Hồ Chí Minh đến Trà Vinh khoảng 70km, giảm áp lực giao thông lớn trên Quốc lộ 1A và đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh) đi vào hoạt động.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cầu Cổ Chiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, cây cầu sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư và thương mại, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ người dân, giao lưu văn hoá, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Công trình giao thông quan trọng của miền Tây Nam Bộ này sẽ tạo sự kết nối về an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hoá giữa Bến Tre, Trà Vinh với các tỉnh lân cận và TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận quyết tâm của ngành Giao thông Vận tải và 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh trong việc xây dựng công trình để cầu Cổ Chiên là một trong 10 cây cầu lớn, hiện đại nhất của Việt Nam, trở thành một “chứng chỉ” cho sự phát triển, tiến bộ của ngành Giao thông Vận tải trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn, các bộ ngành, lãnh đạo hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre nỗ lực đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ của công trình.
Ghi nhận tấm lòng của nhân dân địa phương đã, đang và sẽ hết lòng ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu Trà Vinh và Bến Tre cần tiếp tục ưu tiên công tác tái định cư cho nhân dân. Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng đã được hoàn thành.
Cầu Cổ Chiên nằm trong chiến lược phát triển tuyến hành lang ven biển, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên bao gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 do công ty TNHH B.O.T Rạch Miễu làm chủ đầu tư, đảm nhiệm việc xây dựng cầu Cổ Chiên có tổng chiều dài 1,599 km (điểm đầu từ lý trình km9+695,4 đến điểm cuối lý trình Km11+294,6).
Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đảm nhiệm xây dựng đường dẫn phía Bến Tre, Trà Vinh và các cầu phụ trên đường dẫn này với tổng chiều dài 14,161 km.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.798,440 tỷ đồng. Trong đó, Dự án thành phần 1 có vốn đầu tư 2.210,179 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư BOT); Dự án thành phần 2 có vốn đầu tư 1.588,261 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước). Ban Quản lý Dự án 7 sẽ thực hiện việc quản lý dự án.
Cầu Cổ Chiên theo thiết kế có dạng dây văng 2 mặt phẳng, mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 16m, vận tốc thiết kế 80km/h. Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Theo dự kiến, thời gian thi công của Dự án là 36 tháng. Sau khi hoàn thành, cầu Cổ Chiên sẽ nối thông tuyến Quốc lộ 60 từ Tiền Giang đi Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TP HCM đến Trà Vinh khoảng 70 km, giảm áp lực giao thông lớn trên Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh) đi vào hoạt động./.
BBT (Tổng hợp)