Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong sự phát triển chung của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của Ngành GTVT(Thứ năm, 28/12/2023 10:20 GMT+7)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình có nhiều diễn biến vượt ra ngoài mọi dự báo, song ngành GTVT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, trong đó việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) đạt nhiều kết quả nổi bật.
Sáng 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao
kết quả của Ngành GTVT đã đạt được trong năm 2023
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình có nhiều diễn biến vượt ra ngoài mọi dự báo, song ngành GTVT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, trong đó việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) đạt nhiều kết quả nổi bật.
Ngành có nhiệm vụ quản lý rộng, nguồn vốn lớn, nhiều công trình, lĩnh vực, trải dài từ Bắc tới Nam, đòi hỏi phải quản lý, điều hành bao trùm, toàn diện, có hiệu quả và chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, hoan nghênh những thành tích, kết quả mà Bộ GTVT và các địa phương đã đạt được trong lĩnh vực GTVT năm 2023.
"Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT đã đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tích cực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, làm việc quyết liệt, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và tình hình thực tế để triển khai linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, ngành GTVT đã tích cực, chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế, trình Chính phủ 13/13 nghị định, đạt 100% kế hoạch theo chương trình công tác. Đồng thời, đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đến nay, 5/5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông theo luật quy hoạch đã được Bộ GTVT hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thay mặt tập thể Lãnh đạo Bộ và CBCCVC-NLĐ toàn Ngành
trân trọng lắng nghe tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương
để hoàn thành tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ được giao
Đặc biệt, việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông năm 2023 là điểm sáng với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không,...
Chỉ trong thời gian ngắn, từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách linh hoạt, sáng tạo hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn trong công tác chuẩn bị đầu tư để tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đã rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường.
Bộ GTVT đã thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; tích cực, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, phân cấp, ủy quyền đã được kịp thời tháo gỡ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thủ tướng lấy ví dụ về một vướng mắc thực tế khi mỏ nguyên vật liệu thông thường lại được cấp phép theo quy trình như với các mỏ khoáng sản quý. Tháo gỡ việc này, Bộ GTVT và các cơ quan đã tham mưu ban hành 2 nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù bảo đảm nguồn vật liệu thi công; tham mưu Chính phủ chỉ đạo việc công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng...
Một ví dụ khác cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT là dự án cầu Mỹ Thuận 2 đầu năm 2023 còn chưa giải phóng mặt bằng xong, nguồn vốn còn thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, chúng ta đã tăng cường tăng thu, giảm chi để sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh và tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT, các công nhân trên công trường… đã rất quyết tâm, nỗ lực, làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, không kể ngày nghỉ, ngày lễ với tinh thần "3 ca 4 kíp" "vượt nắng, thắng mưa", "không thua đại dịch", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ tiến không lùi"…
"Lãnh đạo ngành GTVT đã đi sâu, đi sát, tích cực chỉ đạo từng khu vực, từng vùng, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh các công trình giao thông trọng điểm; từ đó tạo động lực, truyền cảm hứng cho cấp dưới, các địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu và người lao động trên công trường", Thủ tướng ghi nhận đánh giá cao đồng thời chỉ thêm, Bộ cũng đã tổ chức tốt với nhiều đổi mới trong công việc ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ các dự án sân bay, nhất là dự án sân bay Long Thành.
Cùng với đó, công tác điều hành hoạt động vận tải trong năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; sản lượng vận tải các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ. Việc triển khai công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được những kết quả khả quan.
Bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quán triệt, nghiêm túc triển khai, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối không say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan trong triển khai nhiệm vụ được giao; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực, nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt trong khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, bảo hành, bảo trì các công trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần phát triển nhanh, bền vững các công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Cùng với đó, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả theo tinh thần vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực giao thông vận tải.
Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính phiền hà, sách nhiễu, giảm thời gian, chi phí đầu vào cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội; tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm tới những người dân bị ảnh hưởng, phải nhường nơi ăn chốn ở, nơi làm việc, kể cả nơi thờ tự cho các dự án.
Giao các nhiệm vụ cụ thể cho ngành GTVT với quan điểm ưu tiên nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng sân bay Long Thành - dự án rất lớn mang tính biểu tượng của cả nước.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu sớm trình phê duyệt, khởi công một số dự án PPP, như cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh tại khu vực miền núi phía Bắc, cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành tại khu vực Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên, cao tốc Nam Định-Thái Bình tại Đồng bằng sông Hồng…
Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi phạm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng mong muốn các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu cần trưởng thành hơn nữa về mọi mặt; đơn vị tư vấn phải thực hiện đúng các quy định; nhà thầu phải tôn trọng pháp luật, không lợi dụng chính sách; các ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
"Các nhà thầu cũng phải đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên hết; kinh doanh phải có lãi nhưng phải bằng trí tuệ, sức lực, công khai, minh bạch chứ không phải bằng tiêu cực, trục lợi chính sách", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng tin tưởng và mong muốn với truyền thống hào hùng, Bộ GTVT đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GTVT sáng nay, 28/12, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã phát biểu tham luận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần khắc phục; chia sẻ bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh tình hình, đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực GTVT gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng thể chế, lập và quản lý quy hoạch; hoạt động vận tải; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; công tác cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; công tác khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế…
Ngành GTVT đề ra nhiệm vụ, đặt mục tiêu cho năm 2024: Tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu sản lượng vận tải tăng khoảng 7%, số lượng hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt khoảng 785 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023.
Cùng với đó, ngành phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; khởi công, hoàn thành các dự án giao thông theo đúng kế hoạch, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.