Nghiên cứu giải pháp quản lý giá dịch vụ cảng biển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam(Thứ bẩy, 11/02/2023 13:57 GMT+7)
Việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể và đề xuất cơ chế, giải pháp quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Tác giả Ths. Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN.
Việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể và đề xuất cơ chế, giải pháp quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Việt Nam đã hình thành được các tuyến vận tải container biển xa đi Mỹ và Châu Âu, Châu Á, đáp ứng được toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu container trực tiếp mà không phải thông qua nước thứ ba, tiết kiệm được chi phí vận tải và thời gian của khách hàng
Giá dịch vụ tại cảng biển vẫn còn bất cập
Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá, cụ thể là "Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác;(4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới".
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, ngành hàng hải đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch chính trong hệ thống lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, đồng thời là trục kết nối các trung tâm kinh tế đầu mối của khu vực.
Theo ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ chế quản lý giá của nhà nước là công cụ hiệu quả trong việc bình ổn giá thị trường, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp cảng tăng nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời bình ổn giá ở những dịch vụ mang tính độc quyền. Tuy nhiên, giá dịch vụ tại cảng biển vẫn nhiều tồn tại hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.
Do đó, việc nghiên cứu đánh giá tổng thể cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung cần thiết trước tình hình hiện nay, trong bối cảnh giá dịch vụ tại cảng biển vận hành theo cơ chế thị trường và nhà nước vẫn có chế tài quản lý để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Ths. Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN
Để có cái nhìn tổng quát về Đề tài "Nghiên cứu giải pháp quản lý giá dịch vụ cảng biển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam", trước tiên cần bàn về quan điểm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ là công cụ góp phần hỗ trợ cho hoạt động cảng biển hiệu quả hơn, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới" - Ths. Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, kinh tế biển được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.
Để sớm đưa nội dung phát triển kinh tế biển nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quan điểm, cảng biển cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đề ra định hướng đến năm 2030 là hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó cần thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ cảng biển; hạn chế thấp nhất việc đưa các chính sách xã hội vào trong giá hàng hoá, dịch vụ. Đây cũng là định hướng xuyên suốt cho công tác định giá dịch vụ tại cảng biển.
Nhà nước thực hiện quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giá, khắc phục triệt để những chồng chéo trong công tác quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Về thực trạng nền kinh tế hàng hải thế giới. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực từ năm 2008 kéo dài, ngành vận tải biển thế giới trong suốt giai đoạn 2008 đến 2020 có dấu hiệu suy giảm. Bước sang năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng trên toàn cầu, thị trường hàng hải vốn đang diễn biến thiếu tích cực lại tiếp tục bị ảnh hưởng, thị trường sụt giảm 3,8% sản lượng vận chuyển trong năm 2020.
Đến năm 2022, Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNCTAD) dự báo tăng trưởng hàng hải ở mức vừa phải khoảng 1,4% và trong giai đoạn 2023-2027 mức trung bình hàng năm là 2,1%, tốc độ này chậm hơn so với mức trung bình 3,3% trong ba thập kỷ trước. Do vậy, hoạt động cảng biển trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Bảo đảm tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ cảng biển
Hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 5 nhóm cảng biển với 36 cảng biển. Trong đó có 2 cảng biển đặc biệt, 15 cảng biển loại I, 6 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III.
Về tổng số bến, có 286 bến cảng/96 km bến (gấp hơn 4,5 lần năm 2000), với tổng lượng hàng hóa thông qua năm 2022 đạt 733 triệu tấn (gấp khoảng 8,5 lần năm 2000).
Xếp dỡ container tại Cảng Hải Phòng
Việt Nam đã hình thành được các tuyến vận tải container biển xa đi Mỹ và Châu Âu, Châu Á, đáp ứng được toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu container trực tiếp mà không phải thông qua nước thứ ba, tiết kiệm được chi phí vận tải và thời gian của khách hàng.
Với khối lượng hiện tại, Việt Nam là một trong 3 nước có sản lượng hàng hóa thông qua và tuyến vận tải lớn nhất trong khu vực (cùng với Malaysia và Singapore).
Hệ thống cảng biển Việt Nam đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), tàu đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Về cơ bản quy mô và chất lượng hệ thống cảng biển Việt Nam đã đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước cũng như học hỏi kinh nghiệm quản lý giá dịch vụ của các nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu nhận định cần thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ cảng biển, hạn chế thấp nhất việc đưa các chính sách xã hội vào trong giá hàng hoá, dịch vụ, cụ thể:
(1) Đối với giá dịch vụ hoa tiêu cần phải quy định giá tối đa để hạn chế tình trạng độc quyền tăng giá. Mức giá tối thiểu không mang lại ý nghĩa trong việc định giá hoa tiêu, do vậy không có hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh để giảm giá dịch vụ.
(2) Giá dịch vụ cầu bến hiện tại đã có dấu hiệu ổn định, thị trường có thể tự điều tiết được giá này trên quy luật cung cầu, đề xuất không quy định giá dịch vụ sử dụng cầu bến trong danh mục hàng hoa, dịch vụ do nhà nước định giá (bỏ quy định khung giá).
(3) Giá dịch vụ phao neo vẫn cần phải duy trì mức giá tối đa dịch vụ phao neo để hạn chế tình trạng độc quyền tăng giá, không quy định mức giá tối thiểu do dịch vụ này không xuất hiện tình trạng cạnh tranh giảm giá, việc bỏ giá tối thiểu cũng giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc điều chỉnh giảm giá cho khách hàng.
(4) Đối với giá dịch vụ bốc dỡ container, việc duy trì giá dịch vụ bốc dỡ container tối thiểu vẫn là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và đề xuất không quy định giá tối đa đối với dịch vụ bốc dỡ container, để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam từng bước nâng cao giá dịch vụ.
(5) Khung giá dịch vụ tàu lai dắt vẫn cần được duy trì (giá tối thiểu và giá tối đa) để bảo đảm ổn định thị trường giá dịch vụ và ổn định hoạt động dịch vụ lai dắt.
(6) Đối với nội dung kê khai giá, đề xuất đưa ra ngoài danh mục kê khai, để phù hợp với thực tế hoạt động và thông lệ quốc tế.
(7) Giá dịch vụ thuộc diện niêm yết giá cần bổ sung quy định về giá niêm yết và giá bán so với giá niêm yết, vì thực tế hiện nay các hãng tàu niêm yết giá rất cao, nhưng giá bán lại thấp hơn giá niêm yết do vậy giá niêm yết không có ý nghĩa trong việc minh bạch giá cước.
Một số giải pháp, nội dung định hướng cho việc định giá dịch vụ tại cảng biển
Việc định giá dịch vụ tại cảng biển cũng cần đáp ứng một số các quy định của pháp luật về phương pháp định giá, quan điểm của Đảng và nhà nước trong việc định giá dịch vụ, phương pháp xây dựng chi phí giá thành dịch vụ.
Sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do đội tàu nước ngoài
đảm nhận, chiếm trên 90%, đặc biệt là các tuyến biển xa như châu Mỹ, châu Âu.
Theo các đề xuất về giải pháp quản lý giá dịch vụ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một số nội dung đề xuất thay đổi, do vậy các giải pháp xây dựng khung giá phải có điều chỉnh để mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và đất nước. Một số các giải pháp, nội dung định hướng cho việc định giá dịch vụ tại cảng biển như sau:
- Nhà nước thực hiện quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Khung giá được xây dựng trên cơ sở cơ cấu giá thành thực tế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại khu vực theo các văn bản hướng của Luật giá.
- Nguyên tắc định giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ.
- Phương pháp định giá phải xây dựng theo cả phương pháp so sánh và phương pháp chi phí; căn cứ đặc tính và giá trị sử dụng của từng loại hàng hóa, dịch vụ, các điều kiện cụ thể về sản xuất kinh doanh, về thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ cụ thể, tổ chức, cá nhân lựa chọn phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với hàng hóa, dịch vụ cần định giá.
- Căn cứ định giá phải là giá thành của hàng hóa dịch vụ tại thời điểm định giá và so sánh với giá của dịch vụ tương tự trong nước và quốc tế.
Dự báo trong tương lai, xu thế phát triển ngành hàng hải sẽ có bước thay đổi mạnh mẽ, quản lý hoạt động cảng biển theo công nghệ số hóa, phát triển cảng biển xanh, cảnh thông minh, giảm thải khí thải… Những tiêu chí này đang là thách thức và áp lực tài chính cho doanh nghiệp cảng biển nói chung và cảng biển Việt Nam nói riêng. Nếu không có chính sách phù hợp, nâng cao hoạt động cảng biển và nguồn tài chính để tái đầu tư nâng cấp trang thiết bị phù hợp với xu thế mới, cảng biển Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước.