Bê tông tự liền vết nứt(Thứ sáu, 03/07/2009 00:00 GMT+7)
Hai nhà khoa học Yingzi Yang và Victor Li tại trường Đại học Michigan (Mỹ) đã chế tạo một loại bê tông mới có ưu điểm vượt trội: có thể uốn cong và đặc biệt, tự liền vết nứt khi bị tác động mạnh.
Hai nhà khoa học Yingzi Yang và Victor Li tại trường Đại học Michigan (Mỹ) đã chế tạo một loại bê tông mới có ưu điểm vượt trội: có thể uốn cong và đặc biệt, tự liền vết nứt khi bị tác động mạnh.
Yingzi Yang và Victor Li nghiên cứu để chế tạo bê tông từ 15 năm nay. Ý tưởng về loại bê tông mới này xuất phát từ những chiếc vỏ sò, chính xác hơn là từ những hợp chất ảnh hưởng đến sự phát triển của những loài động vật tương tự như nghêu, ốc, hến... Họ đã bổ sung vào bê tông một hợp chất thích hợp và đạt được kết quả kỳ diệu như thế.
Loại bê tông này chịu được lực rất mạnh, thậm chí cả động đất, không bị vỡ vụn mà chỉ bị nhiều vết nứt. Hơn nữa các vết nứt có thể tự liền lại sau khi không còn bị lực tác động. Để vết nứt tự liền lại, cần có mưa nhỏ trong vài ngày liên tục, nước sẽ phản ứng với các hợp chất trong bê tông và với CO2 trong không khí tạo ra carbonate calcium để gắn các chỗ nứt. Sau khi tự hồi phục, bê tông vẫn giữ được độ vững chắc như khi chưa "bị thương". Các tác giả hy vọng loại bê tông mới này sẽ được sử dụng trong các công trình cầu đường mặc dù nó đắt gấp 3 lần bê tông thường.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết loại bê tông có tính đàn hồi tương tự đã từng được ứng dụng trong việc xây dựng một cây cầu tại Michigan. Do bê tông có độ đàn hồi nên cây cầu này không có các chỗ nối tự động điều chỉnh khi nhiệt độ thay đổi vì vậy không gây ồn khi xe cộ chạy qua. Loại bê tông đó cũng được sử dụng trong việc xây dựng một tòa nhà 60 tầng tại Osaka (Nhật Bản).
Chi tiết về công trình nghiên cứu có thể tìm thấy trong thông cáo báo chí của University of Michigan và trong bài viết của các tác giả được đăng trên tạp chí Cement and Concrete Research.
(Theo membrana.ru)