Xe lăn di chuyển bằng ý nghĩ(Thứ tư, 15/07/2009 00:00 GMT+7)

Tập đoàn Moto Toyota cho biết họ vừa phát triển phương pháp điều khiển xe lăn bằng sự nhận biết sóng não. Người dùng không cần sử dụng đến cơ bắp, thậm chí không cần thốt lên yêu cầu của mình.

Tập đoàn Moto Toyota cho biết họ vừa phát triển phương pháp điều khiển xe lăn bằng sự nhận biết sóng não. Người dùng không cần sử dụng đến cơ bắp, thậm chí không cần thốt lên yêu cầu của mình.
Được phát triển dưới sự hợp tác của các chuyên gia Nhật Bản, hệ thống phân tích sóng não của Toyota được đánh giá là tiên tiến nhất thế giới. Trong khi hệ thống cũ phải cần một vài giây để đọc được sóng não thì công nghệ mới cho phép hệ thống phân tích sóng não của Toyota làm việc chỉ trong 125‰ giây.
Người ngồi xe lăn sẽ đội một chiếc mũ có thể đọc các tín hiệu từ não. Những tín hiệu này sẽ được quét qua một máy ghi sóng điện não lắp trên xe lăn, sau đó được phân tích bằng chương trình máy tính.
Thử nghiệm xe lăn điều khiển bằng sóng não. (Ảnh: physorg.com)
Công nghệ phân tích sóng não là một phần của chiến lược còn lớn hơn việc phát triển xe ôtô mà Toyota hướng đến – chiến lược giúp con người di chuyển một cách hoàn toàn mới.
Hệ thống mới cho phép người ngồi xe lăn ngay lập tức có thể rẽ trái, phải hoặc đi thẳng. Tuy nhiên, việc dừng lại vẫn phải mất thời gian hơn một chút vì người ngồi xe lăn phải thổi phồng má của mình để hệ thống có thể nhận được thông tin dựa vào sự biến đổi của gương mặt.
Đối thủ Nhật là Tập đoàn moto Honda hiện cũng đang nghiên cứu một hệ thống kết nối giữa sóng não và chuyển động cơ học.
Đầu năm nay, Honda chiếu một đoạn phim về một người đội chiếc mũ trong khi nghĩ đến việc nâng tay phải của mình lên. Thông qua những dây dẫn dán bên trong mũ, suy nghĩ được truyền đến robot Asimo. Chú robot này đã được lập trình để đáp ứng các tín hiệu não bộ và nâng tay phải của mình lên chỉ trong vài giây sau đó.
Cả Honda lẫn Toyota đều chưa có kế hoạch để chuyển công nghệ thành sản phẩm thương mại trong khi mỗi tập đoàn đều cho biết họ đang tiếp tục nghiên cứu về công nghệ này.
Theo AP