Ra mắt máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời(Thứ tư, 15/07/2009 00:00 GMT+7)
Nhà sáng chế người Thụy Sĩ Bertrand Piccardđã giới thiệu chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng ánh sáng mặt trời, có sải cánh tương đương loại phi cơ chở khách Boeing 747 nhưng chỉ nặng chưa bằng một chiếc xe hơi nhỏ.
Nhà sáng chế người Thụy Sĩ Bertrand Piccardđã giới thiệu chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng ánh sáng mặt trời, có sải cánh tương đương loại phi cơ chở khách Boeing 747 nhưng chỉ nặng chưa bằng một chiếc xe hơi nhỏ.
Bertrand Piccard đang giới thiệu về chiếc Solar Impulse. Ảnh: AP.
Nhà sáng chế ưa phiêu lưu Bertrand Piccard trình làng chiếc máy bay mang tên Solar Impulse có thiết kế bóng mượt và khá gọn gàng trước 800 khách mời tại một sân bay quân sự gần Zurich. Mẫu sản phẩm vận tải không gây hại cho môi trường này có tham vọng trở thành chiếc máy bay năng lượng mặt trời đầu tiên bay vòng quanh thế giới trong vài năm tới.
"Hôm qua nó chỉ là một giấc mơ thì hôm nay đó đã là một chiếc máy bay. Ngày mai nó sẽ là đại sứ của các nguồn năng lượng tái sinh", nhà sáng chế Piccard phát biểu trong lễ ra mắt Solar Impulse. Trước đó ông từng lập kỷ lục khi cùng một bạn đồng hành người Anh bay vòng quanh thế giới không nghỉ bằng khinh khí cầu vào năm 1999.
Solar Impulse sẽ tiến hành hàng loạt chuyến bay thử nghiệp trong hai năm tới và một chiếc hoàn chỉnh sẽ ra lò để cất cánh vào năm 2012. Theo tiết lộ của Piccard, kinh phí cho dự án Solar Impulse là 70 triệu Euro (98 triệu USD). Chiếc máy bay siêu sạch này có thể bay cả ngày lẫn đêm hoàn toàn nhờ vào 12.000 tấm pin thu nhiên liệu mặt trời và bộ pin lithium trữ điện, cung cấp năng lượng cho 4 động cơ điện có công suất tổng cộng 40 mã lực. Theo nhà thiết kế nó sẽ không phải sử dụng bất cứ loại nhiên liệu bổ sung nào.
Với những động cơ mini 40 mã lực, chiếc máy bay của Piccard sẽ vận hành như một chiếc xe scooter trên bầu trời. Solar Impulse sẽ cất cánh với tốc độ được ví như của người đi bộ là 35km/h và khi đạt độ cao ổn định nó bay trung bình 70 km/h. Khi thực hiện kế hoạch bay vòng quanh thế giới, khác với khinh khí cầu bay liên tục 10 năm trước, máy bay năng lượng mặt trời sẽ phải nghỉ dọc đường để các phi công thư giãn sau khi giam mình trong buồng lái chật trội suốt thời gian dài.
Phi công phụ lái với Bartrand Piccard sẽ là Andre Borschberg, một kỹ sư kiêm phi công lái máy bay chiến đấu. Ông cũng có mặt trong lễ ra mắt và cho biết thêm: "Bạn thấy đấy, nó thực sự nhỏ bé. 36 tiếng ngồi trên đó đúng là một thách thức và đây là bài kiểm tra đối với độ kiên nhẫn của bạn". Dự kiến kế hoạch bay vòng quanh thế giới của Solar Impulse sẽ chia thành 5 giai đoạn gồm những điểm dừng chân để đội bay giới thiệu loại máy bay đặc biệt của họ. Theo Borschberg, tổng cộng thời gian máy bay trên không trong chuyến chinh phục này là 5 ngày.
Bertrand Piccard (phải) và phụ lái Andre Borschberg trong lễ ra mắt máy bay. Ảnh: AP.
Theo các nhà sáng chế, để thực hiện chuyến bay liên tục không nghỉ vòng quanh thế giới, Solar Impulse phải đợi cho đến khi ra đời loại pin có thể được sản xuất với kích cỡ nhỏ gọn hơn. Khi đó phi công mới có thể tận hưởng sự thoải mái khi điều khiển máy bay. Chuyến bay thử đầu tiên của Solar Impulse sẽ diễn ra vào cuối năm nay và chuyến bay đêm hoàn chỉnh sẽ được thực hiện vào năm 2010.
Một trong những thách thức mà máy bay năng lượng mặt trời chưa giải quyết được là thời tiết xấu. Nguyên nhân vì những tấm pin thu năng lượng hoàn toàn phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời để có thể tích điện bay vào ban ngày và sạc cho bộ pin lithium nặng 400 kg phục vụ bay đêm. Do đó máy bay phải hoàn toàn tránh điều kiện thời tiết có mưa bão.
Ý tưởng về chế tạo máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse được Bertrand Piccard và bạn đồng hành trên chiếc khinh khí cầu năm xưa là Brian Jones đưa ra, sau khi họ hoàn thành chuyến bay kỷ lục năm 1999. Khi đó họ chỉ còn 40 kg nhiên liệu trong khoang khinh khí cầu so với 3,7 tấn khi propane lúc khởi hành. Cả hai đều cho rằng thành công của họ có thể đã không đạt được vì lý do thiếu nhiên liệu.
Với suy nghĩ trên, Bertran Piccard quyết định chuyến bay chinh phục thế giới lần sau của ông sẽ không sử dụng bất cứ loại nhiên liệu hóa thạch nào. Còn bản thân nhà sáng chế người Thụy Sĩ này cho rằng, chiếc máy bay đặc biệt của ông sẽ là niềm cảm hứng cho các nhà sản xuất những mặt hàng phổ biến. "Nếu một chiếc máy bay có thể bay cả ngày lẫn đêm mà không cần nhiên liệu, chỉ dùng năng lượng mặt trời, thì sẽ không có lý do gì không làm được điều đó với xe hơi, lò sưởi, máy điều hòa nhiệt độ hay máy tính", Piccard bày tỏ.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời có người lái.
Trước đó vào năm 1980, một chiếc máy bay năng lượng mặt trời có tên Gossamer Penguin siêu nhẹ nhưng mỏng manh từng bay thử nghiệm những chuyến ngắn với một phi công. Năm 1981, mẫu mạnh mẽ hơn có tên Solar Challenger cùng một phi công đã bay thành công từ Pháp sang Anh trong 5 tiếng đồng hồ. Những chuyến bay sử dụng công nghệ mặt trời này đã gợi nhớ đến những chuyến bay đầu tiên có người lái hơn 100 năm trước.
Theo AFP