Thực trạng sử dụng xe môtô, xe gắn máy tại việt nam và sự cần thiết phải xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn(Thứ tư, 03/08/2011 13:02 GMT+7)
Việt Nam là một quốc gia điển hình ở khu vực và trên thế giới về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới. Đây là loại phương tiện đi lại được nhiều người dân lựa chọn bởi dễ sử dụng, khả năng cơ động và giá thành hợp lý. Kết quả điều tra sơ bộ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, người dân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy di chuyển từ 2-4 lượt/ngày. Bình quân mỗi người dân Hà Nội di chuyển 20-25 km/ngày và khoảng 7250 km/năm; người dân thành phố Hồ Chí Minh di chuyển 25-30 km/ngày và khoảng 8.700 km/năm bằng xe mô tô, xe gắn máy.
Việt Nam là một quốc gia điển hình ở khu vực và trên thế giới về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới. Đây là loại phương tiện đi lại được nhiều người dân lựa chọn bởi dễ sử dụng, khả năng cơ động và giá thành hợp lý. Kết quả điều tra sơ bộ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, người dân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy di chuyển từ 2-4 lượt/ngày. Bình quân mỗi người dân Hà Nội di chuyển 20-25 km/ngày và khoảng 7250 km/năm; người dân thành phố Hồ Chí Minh di chuyển 25-30 km/ngày và khoảng 8.700 km/năm bằng xe mô tô, xe gắn máy.
Trong vòng 10 năm qua số lượng xe mô tô, xe gắn máy đăng ký đã tăng khoảng 5 lần đạt 25.273.088 chiếc vào cuối năm 2008, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những nước sử dụng xe mô tô, xe gắn máy chủ yếu với số lượng chỉ sau hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, xe mô tô, xe gắn máy đã tăng rất nhanh với tốc độ trên 10%/năm. Đặc biệt trong năm 2008, số lượng xe mô tô, xe gắn máy đăng ký tăng thêm gần 4 triệu chiếc trên cả nước, nhiều nhất từ trước đến nay và tốc độ gia tăng 18 % so với năm 2007. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 33 triệu xe môtô, xe gắn máy được đăng ký và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh những lợi ích mà xe môtô, xe gắn máy mang lại thì đây cũng là nguồn chính thải ra các chất độc hại như CO, HC, VOC, NOx, ... gây ô nhiễm không khí đặc biệt là ở các đô thị nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Lượng phát thải chất gây ô nhiễm từ các loại xe cơ giới nói chung và xe mô tô, xe gắn máy nói riêng không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng xe cũng như lượng nhiên liệu tiêu thụ mà chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng nhiên liệu, công nghệ giảm khí thải được lắp trên xe; chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành xe. Thực tế cho thấy, trung bình một xe mô tô, xe gắn máy tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng khoảng 1/5 so với một ô tô con nhưng lại có thể thải ra lượng khí độc hại gấp nhiều lần nếu như xe mô tô, xe gắn máy đó có kết cấu, công nghệ lạc hậu (không có các hệ thống kiểm soát khí thải trên xe). Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Môi trường, hệ số phát thải CO, HC của xe môtô gấp 6,4 lần xe ôtô hạng nhẹ. Một kết quả thử nghiệm tại Thụy Sỹ để so sánh hệ số phát thải của xe mô tô, xe gắn máy không lắp thiết bị xử lý khí thải với ô tô con đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3 cho thấy: phát thải trung bình trên một quãng đường đi (g/km) của xe mô tô, xe gắn máy cao hơn ô tô gấp 8 hoặc 18 hoặc 39 lần đối với CO; 23 hoặc 74 hoặc 222 lần đối với HC; 1,7 hoặc 4 hoặc 7,8 lần đối với NOx tùy theo điều kiện giao thông là trên đường trong đô thị hoặc đường đồng bằng hoặc đường cao tốc.
Từ năm 2005 đến nay, Bộ GTVT đã tập trung triển khai Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ để tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra ở cấp quốc gia, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí, góp phần cải thiện môi trường nói chung và môi trường không khí đô thị nói riêng. Theo đó, xe cơ giới được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải Euro 2 từ ngày 01/07/2007; xe cơ giới đã qua sử dụng nhập khẩu phải áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải 2 hoặc 3 (phụ thuộc vào loại xe) từ 01/07/2006; ôtô lưu hành tại 05 thành phố: Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ phải áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải 1 từ ngày 01/07/2006; ôtô đang lưu hành tại các tỉnh, thành phố còn lại phải áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải 1 từ ngày 01/07/2008. Như vậy, có thể thấy không giống như ôtô đang lưu hành (tham gia giao thông) phải kiểm tra khí thải định kỳ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thì xe mô tô, xe gắn máy ngoài việc phải đăng ký cấp biển số thì tham gia giao thông chưa phải chịu bất kỳ hình kiểm soát nào. Vì vậy, đa số xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là những xe “bẩn”, là nguồn phát thải chính các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường không khí.
Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng và để thực hiện Chương trình 23 – Cải thiện chất lượng không khí ở đô thị; Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành nghiên cứu xây dựng dự án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để từng bước thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát khí thải đối với loại hình phương tiện này khi tham gia giao thông.
Kết quả của dự án được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đánh giá là khả thi, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn; sản phẩm chính của dự án là Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 làm căn cứ để triển khai thực hiện./.
HMV