Hà Nội sẽ xanh hóa xe buýt sớm 15 năm(Thứ sáu, 06/09/2024 08:02 GMT+7)

Hà Nội đặt mục tiêu xanh hóa xe buýt vào năm 2035, sớm hơn yêu cầu của Chính phủ 15 năm. Để thực hiện, nguồn lực tài chính dự kiến cần khoảng 43.000 tỷ đồng.


Quyết tâm xanh hóa xe buýt

Ngoài 10 tuyến buýt điện đang được Vinbus vận hành, dự kiến trong quý IV, Hà Nội sẽ đưa vào thí điểm đặt hàng xe buýt điện trên 9 tuyến sắp hết hạn thầu.

Hà Nội sẽ xanh hóa xe buýt sớm 15 năm- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Thường (thứ hai từ phải) - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội bày tỏ

quyết tâm xanh hoá đoàn phương tiện xe buýt.

(Trong ảnh: Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nghe giới thiệu về buýt điện).

"Quá trình xanh hóa xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đang diễn ra sớm và bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định.

Chia sẻ thêm, ông Thường thừa nhận hành trình chuyển đổi còn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt là về vốn đầu tư. Cùng đó, việc chuyển đổi đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các bước, như quy hoạch về trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu.

Khẳng định quyết tâm xanh hóa xe buýt, ông Thường cho biết Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Trọng tâm của đề án là kịch bản rất chi tiết về xe xanh cho giao thông công cộng.

"Chúng tôi đặt mục tiêu 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030", ông Thường thông tin.

Ba kịch bản chuyển đổi buýt điện

Được biết, ba kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030 đã được xây dựng. Trong đó, kịch bản lạc quan nhất là 100% xe buýt điện. Kế đó là 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG và cuối cùng là kịch bản 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

"Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe - 1.807 xe và 1.694 xe; tổng chi phí đầu tư đến năm 2033 là 52.000 tỷ - 47.000 tỷ và 43.000 tỷ đồng", ông Thường nói và cho biết, Sở GTVT Hà Nội đề xuất thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG), khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).

Cũng theo ông Thường, kế hoạch này ưu tiên cho khu vực nội đô xe buýt điện, ra xa hơn nữa là xe CNG; Đồng thời có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp chuẩn bị chuyển đổi phương tiện sang xe buýt nhiên liệu sạch.

Liên quan đến lộ trình, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay: "Yêu cầu của Chính phủ là năm 2050 thành phố sẽ chuyển toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt sang năng lượng xanh (chạy điện hoặc khí nén CNG).

Tuy nhiên, Hà Nội đã có chủ trương "xanh hóa" xe buýt vào năm 2035, sớm hơn yêu cầu của Chính phủ 15 năm. 

Chúng tôi đã giao Sở GTVT Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, các đơn vị đều bày tỏ ủng hộ".

Cần chuẩn bị tốt hạ tầng

Theo TS Hà Thanh Tùng, giảng viên trường Đại học GTVT, để chuyển đổi sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh, hạ tầng cung ứng nhiên liệu khí CNG/LNG cần bến bãi rộng, xa khu dân cư, có hành lang an toàn, có quy hoạch cụ thể về vị trí, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm.

Hà Nội sẽ xanh hóa xe buýt sớm 15 năm- Ảnh 2.

Hà Nội xây dựng kịch bản xanh hóa xe buýt giúp người dân đi lại

thuận tiện, môi trường xanh sạch hơn.

Đồng thời, hệ thống trạm giảm áp chứa nhiên liệu rất phức tạp, gồm bồn chứa khí, hệ thống các trụ xả áp. Việc đầu tư các trạm nạp rất tốn kém.

Đối với xe buýt điện, hạ tầng trạm sạc cũng cần bến bãi rộng, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm, có phương án phòng, chống cháy nổ kèm theo. 

Hạ tầng điện phải đảm bảo ổn định, không gián đoạn và có hệ thống trạm biến áp công suất lớn, đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày.

"Việc phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, giải quyết vấn đề xử lý hệ thống pin thay ra sau khi hết thời gian sử dụng để bảo vệ môi trường", TS Tùng nói.

Cũng theo TS Tùng, để đáp ứng lộ trình được đề ra, đối với nguồn điện và trạm sạc, cần từ 3-5 năm để nâng cấp hệ thống điện khi số lượng phương tiện sử dụng lên hơn 1.000 xe. 

Ngoài ra, xe buýt điện sức chứa nhỏ chạy khoảng 180km sẽ cần sạc 1 lần. Tương tự, xe buýt lớn di chuyển khoảng 250km cần 1 lần sạc. Những việc này cũng cần tính kỹ trước khi đưa vào vận hành.

Ủng hộ xanh hóa xe buýt, chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy góp ý: "Mấu chốt là phải xây dựng được đơn giá định mức của xe buýt điện một cách chặt chẽ, tính đúng, tính đủ.

Việt Nam đã có những cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ với cả thế giới. Mục tiêu "zero carbon 2050" là một trong số đó. 

Tuy đi sau, Việt Nam dám chấp nhận thách thức và coi thách thức đó chính là một cơ hội, là động lực để tiến kịp thế giới".

Theo thống kê, trên địa bàn Thủ đô hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành. Trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour.

11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

P.V