Những con đường làm từ sức dân (Thứ tư, 22/02/2012 07:48 GMT+7)
Bây giờ, có dịp đi trên những ngả đường nông thôn ở tỉnh Ðăc Lắc, ai nấy đều phấn khởi bởi nhiều công trình giao thông liên thôn thông thoáng, sạch đẹp được xây dựng bằng sức lực và tiền của của người dân nơi đây.
Bây giờ, có dịp đi trên những ngả đường nông thôn ở tỉnh Ðăc Lắc, ai nấy đều phấn khởi bởi nhiều công trình giao thông liên thôn thông thoáng, sạch đẹp được xây dựng bằng sức lực và tiền của của người dân nơi đây.
Xã Pơng Drang (huyện Krông Búc) là một xã nghèo, nhưng khi bàn về đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn ngoài nguồn vốn của Nhà nước, thì ai cũng nhất trí. Xã có nhiều cách làm hay để huy động sức dân và đẩy nhanh tiến độ xây dựng giao thông nông thôn. Toàn xã có 21 thôn, buôn với tổng chiều dài đường giao thông nông thôn, đường liên xã hơn 227 km. Trước đây, hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư, nâng cấp đã ảnh hưởng không nhỏ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục điểm yếu này, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng đường giao thông nông thôn. Nghị quyết đó phù hợp nguyện vọng của người dân, cho nên được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo thành phong trào có sức lan tỏa. Các thôn, buôn đã đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã thành lập ban chỉ đạo làm đường giao thông nông thôn. Các thôn, buôn cũng bầu ra ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên của các ban là những đảng viên và quần chúng có uy tín. Các thôn, buôn đã tiến hành họp dân, lấy ý kiến đóng góp trong quá trình thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông. Ban tự quản các thôn, buôn còn giao nhiệm vụ cho ban vận động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đóng góp, ban xây dựng thiết kế công trình công khai các khoản tài chính để nhân dân giám sát, kiểm tra.
Từ năm 2008 trở về trước, nhiều tuyến đường đất tại thôn 9 bị xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn mặt đường chỉ rộng 2 đến 3 m, qua nhiều năm sử dụng không được tu sửa nên ngày càng xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội, xói lở ảnh hưởng việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt của người dân. Từ chủ trương của xã và tình hình thực tế của thôn, ban tự quản, các đoàn thể đã quyết định huy động sức dân để nâng cấp, cải tạo. Trưởng thôn Vũ Quang Nghĩa bộc bạch: Nhờ được tuyên truyền, vận động và phát huy quyền làm chủ cho nên người dân rất đồng tình, ủng hộ, bàn bạc, đóng góp ý kiến sôi nổi, từ mức đóng góp tiền của đến thi công, giám sát công trình. Theo đó, tất cả các hộ dân trong thôn đều đóng góp từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng cho quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn. Sau đó, những hộ dân ở khu vực được chọn làm đường sẽ góp thêm từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/m chiều ngang đất theo mặt đường. Những hộ có xe gắn máy đóng thêm 50 nghìn đồng/xe, máy cày 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/xe, xe ô-tô các loại từ 300 nghìn đến một triệu đồng/xe. Ông Ðậu Công Trường, một người dân trong thôn cho biết: Khi được Ban tự quản thôn phổ biến chủ trương huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển cho nên gia đình tôi đồng tình hưởng ứng; tự nguyện tháo dỡ công trình, hoa màu, đóng góp 28 triệu đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công mở rộng mặt đường. Nhờ vậy, thôn 9 đã huy động hơn hai tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để trải nhựa 4 km đường; nâng cấp, sửa chữa hơn 13 km đường giao thông nông thôn. Ðồng thời, người dân trong thôn cũng đóng góp hơn 32 triệu đồng để mắc điện chiếu sáng trên các tuyến đường trong thôn.
Với cách làm tương tự, từ năm 2007 đến nay, xã đã huy động người dân đóng góp gần bốn tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để sửa chữa, nâng cấp 40 km đường giao thông nông thôn. Cùng với việc đóng góp để cải tạo các tuyến đường, công tác duy tu, bảo dưỡng đã được chính quyền và người dân quan tâm đúng mức. Những con đường làm xong được giao trực tiếp cho các thôn, buôn quản lý, sửa chữa. Phó Chủ tịch UBND xã Pơng Drang Lục Duy Phương cho biết: Xác định giao thông phải đi trước một bước và giao thông có thuận lợi mới đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương..., cho nên xã đã xây dựng nghị quyết về phát triển giao thông nông thôn, trong đó chú trọng việc huy động sức dân sửa chữa, nâng cấp đường giao thông. Giải pháp chính mà xã thực hiện để huy động sức dân là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân trong bàn bạc, thảo luận từ mức đóng góp, cách thức làm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình...
Với cách làm như vậy, từ năm 2007 đến nay, bà con thôn Thác Ðá, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar đã góp hơn 100 triệu đồng và hiến đất để nâng cấp, mở rộng được 9 km đường thôn. Không những thế, hằng năm người dân trong thôn còn tự nguyện đóng góp mỗi hộ 200 nghìn đồng để sửa chữa lại các tuyến đường.
Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar Bùi Thanh An tự hào đưa chúng tôi đi thăm những con đường thảm nhựa phẳng lỳ và cả hội trường tổ dân phố rộng rãi, thoáng mát... Ðồng chí An tâm sự: Việc huy động sức dân ban đầu cũng chẳng dễ dàng. Khi triển khai huy động đóng góp để làm hội trường tổ dân phố, một số hộ không đồng tình với mức mà Ban tự quản tổ dân phố đưa ra, thậm chí có hộ còn cho rằng, xây dựng hạ tầng nông thôn là chuyện của Nhà nước, mấy ông cán bộ tổ dân phố vẽ chuyện để lấy thành tích. Nhưng sau khi được các tổ chức đoàn thể giải thích cặn kẽ, nhiều người hiểu ra và vui vẻ đóng góp tiền của, ngày công lao động tham gia. Bài học lớn nhất được rút ra từ việc làm hội trường tổ dân phố, đó chính là phải xây dựng lòng tin và củng cố sự đoàn kết.
Về xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) trong dịp này, mới thấy sự đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã giờ đây cũng đã được trải nhựa kiên cố, sạch đẹp. Ðiển hình nhất là tuyến đường liên thôn dài hơn 2 km tại thôn Kim Phát, mở rộng thẳng tắp nối từ chợ của thôn Kim Châu ra đến quốc lộ 27. Trước đây, việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết còn là đường đất nhỏ, nắng bụi mưa lầy. Nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của bà con trong thôn, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, họ đã tự góp tiền, hiến đất và ngày công lao động để mở rộng, nhựa hóa tuyến đường này. Có được điều này, bài học trước hết là tất cả đều dựa vào sức dân, để dân tự bàn bạc và quyết định. Khi lòng dân đồng thuận sẽ làm nên những con đường, góp phần xây dựng vùng quê trù phú, giàu đẹp, văn minh.
Nhân dân